Camera thò thụt - Giải pháp hay nhưng "hết trend" chỉ vì người dùng


Smartphone với camera dạng thò thụt lên xuống vốn được các hãng 'lăng xê' rất hăng hái vào khoảng 5 năm trước. Nhưng không may, dòng máy sử dụng loại camera này đã dần ít đi, thậm chí 'tuyệt chủng' tại thị trường smartphone.
Tại thời điểm smartphone camera thò thụt phổ biến là thời điểm chuyển mình của thiết kế smartphone tổng thể. Các hãng smartphone khi đó đã manh nha tìm giải pháp để tối ưu không gian hiển thị của smartphone, làm mỏng viền màn hình và các thành phần camera có trên đó. iPhone X thì tai thỏ, Samsung thì ra mắt bộ thiết kế tràn viền với phần camera trước dạng giọt nước, 'nốt ruồi' đục lỗ.
Trong những giải pháp cải tiến không gian hiển thị nói trên, camera pop-up dạng thò thụt được xem là giải pháp tương lai và thiết thực để giúp smartphone có được tỉ lệ màn hình ở mặt trước đạt gần đến 100%. Tuy nhiên, hiện tại là gần 4-5 năm sau khoảng thời gian đó, smartphone camera thò thụt đã biến mất hoàn toàn.
'Đào' lại khoảng thời gian hoàng kim của smartphone camera thò thụt
Nhìn lại thị trường vào thời điểm trước, có thể nói cuộc 'cách mạng' camera trước trên smartphone là một trong những điểm le lói cuối cùng của một thị trườn smartphone đầy biến động trước khi bão hoà.
Tại thời điểm đó, các hãng smartphone, đặc biệt là các nhà sản xuất Trung Quốc đã rất năng nổ 'biến tấu' camera thò thụt thành các hình thái hoặc các dạng trượt khác nhau. Như Xiaomi Redmi K20 Pro, Xiaomi 9T với hình thái 'thò thụt' gọn gàng tại góc trên của máy.
Ngoài thiết kế đơn giản như trên, các nhà sản xuất còn áp dụng sự sáng tạo lên trên cụm camera thò thụt của mình. OPPO là một cái tên nổi bật trong việc áp dụng sự sáng tạo này, Find X là một chiếc máy nổi trội và gây tiếng vang kể từ lúc ra mắt với cụm camera thò thụt cực kỳ đẹp và sáng tạo. Thậm chí chiếc Find X đã từng đẩy thương hiệu cao cấp của OPPO lên cao hơn bao giờ hết với vẻ hoàn thiện cực kỳ hoàn mỹ của mình.
Xem thêm: Trên tay OPPO Find X trước giờ G: Thiết kế mô-đun trượt độc đáo, ẩn được cả cụm camera trước lẫn sauBên cạnh Find X với cụm camera thò thụt chất lượng, OPPO Reno2 cũng là một thiết bị ấn tượng với cụm camera vây cá mập quá ấn tượng và gọn gàng. Ngoài ra còn có các thiết bị ấn tượng khác như camera vừa trượt vừa xoay của Samsung Galaxy A80, hay trên Mi Mix 3.
Dù có xấu có đẹp nhưng phải thừa nhận dòng smartphone camera thò thụt này đã đem lại những sự chú ý nhất định trong giới smartphone, giúp thị trường thêm sôi động và mỗi dòng sản phẩm đều có một 'DNA' riêng. Rất đáng tiếc khi không còn thấy các dòng sản phẩm này trên thiết bị hiện nay.
Đã từng có thời điểm người dùng được tận hưởng cảm giác xem nội dung trên 100% màn hình mà không bị cản trở bởi những 'tai thỏ' hay 'nốt ruồi'; hay không phải đánh đổi giữa chất lượng màn hình và chất lượng camera trước như các máy ẩn cam selfie như ở thời điểm hiện tại.
Dù biết các phần khuyết trên màn hình sử dụng nhiều cũng quen và không mấy để ý nhưng cảm giác của sự liền lạc trên màn hình thiết bị là một thứ không thể nào thay thế được. Điều này làm mình thực sự nhớ các dòng máy camera thò thụt.
Camera 'thò thụt' biến mất - Vì đâu nên nỗi?
Đã có nhiều lời giải thích rằng camera thò thụt về lâu dài làm ảnh hưởng đến độ bền của smartphone. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng xác đáng nào cho thấy các smartphone camera thò thụt được ra mắt ở các thế hệ trước gặp vấn đề về độ bền ở bộ phận đó. Thậm chí có những người sử dụng lên đến ba bốn năm vẫn không thành vấn đề. Vậy thực sự vấn đề cho sự biến mất này nằm ở đâu?
Có lẽ sự nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự biến mất của dòng máy này nằm ở tính chất của camera thò thụt, đây là một bổ sung theo dạng 'nice to have', nghĩa là có cũng được, không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến trải nghiệm của người dùng.
Đã có nhiều tính năng theo dạng 'có thì hay không có thì thôi' trên smartphone như màn hình tràn cạnh viền, tính năng cảm ứng ở mặt lưng, hay 3D touch trên iPhone thời trước. Tất cả những tính năng này điểm chung đều đem lại trải nghiệm hay ho trong quá trình sử dụng smartphone nhưng lại không đem lại đủ tầm quan trọng, hoặc không cần nhiều cho quá trình sử dụng. Từ đó người dùng dần mất cảm xúc; và khi những tính năng này biến mất, sẽ chỉ còn những bài viết phân tích như này để giúp bạn nhớ về nó còn không bạn cũng sẽ chả nhớ nhung gì mấy nữa.
Về lại với camera thò thụt, tại sao thành phần này lại không mang tính quan trọng như những gì các thương hiệu đã dày công quảng bá? Câu trả lời đơn giản nằm ở việc chúng ta đều quen với màn hình không hoàn thiện: đục lỗ, tai thỏ, giọt nước, cằm dày,... Tất cả đều bị chỉ trích do lo sợ nội dung bị thiếu sót do các 'lỗ' trên màn hình nhưng thực tế chả ai chú ý đến nó cả. Bạn đang sử dụng smartphone màn hình đục lỗ chắc cũng hiểu chúng ta dần sẽ quen, thậm chí còn chả cảm thấy phiền lòng kể từ lúc mua.
Bởi sự phát triển của những chiếc camera trước đục lỗ như thế đã chỉ ra rất rõ tầm ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của tính năng camera thò thụt là rất thấp. Người dùng khi quyết định mua hàng, so sánh giữa máy có camera thò thụt và một chiếc điện thoại màn đục lỗ thậm chí sẽ không để ý và xem camera pop-up như một tính năng thuyết phục họ mua sản phẩm. Thay vào đó lại là yếu tố chất lượng màn hình, camera, pin,...
Các hãng smartphone dần bỏ đi camera thò thụt cũng là vì thế. Khó dám chắc nhưng khi thực hiện sản phẩm với cụm camera có thể di chuyển, nhà sản xuất smartphone đã đánh đổi nhiều về độ bền, quy trình lắp ráp cho cụm camera, bổ sung nhiều chất xám hơn để tạo cơ chế phần mềm và phần cứng nhiều hơn cho camera thò thụt. Họ đánh đổi những thứ đó để đổi lại một tính năng mà người dùng không quan trọng hoá khi mua hàng, làm ra một chiếc smartphone tốn tài nguyên hơn nhưng lại không đem lại hiệu quả tương xứng.
Những kết quả trên khiến cho camera thò thụt dần bị loại bỏ khỏi các sản phẩm về sau. Nếu như bạn muốn kiểm chứng có thể tham khảo những smartphone bán chạy vào khoảng năm 2018 - 2019, thời điểm smartphone camera thò thụt được 'lăng xê', phần lớn thiết bị bán chạy đều là những máy với mặt trước tai thỏ, đục lỗ.
Xem thêm:
- iPhone X vẫn là mẫu smartphone bán chạy nhất thế giới trong tháng 3/2018
- Counterpoint: iPhone X là smartphone bán chạy nhất thế giới trong năm 2018
Liệu người dùng có đang gián tiếp 'giết' sự sáng tạo trên smartphone?
Sự thất bại của nhiều tính năng 'độc lạ, sáng tạo' của smartphone hầu hết đều bắt nguồn từ phản ứng của người mua hàng. Hãng còng lưng ra làm tính năng mới với sự sáng tạo, người dùng chê không mua rồi bảo thị trường bão hoà, smartphone nào cũng giống nhau - đây là một hiện tượng đang gặp phải đối với thị trường hiện nay.
LG là một ví dụ điển hình về sự thất bại của áp dụng sáng tạo quá đà. Máy độc, lạ, mang lại nhiều tiếng vang nhưng lại có doanh số thấp. Sự 'ra đi' của LG và sự ảm đạm trong việc tiếp nhận các tính năng sáng tạo mới có làm cho các hãng điện thoại trở nên quá an toàn và nhàm chán trong tương lai?
Sự sáng tạo của các hãng smartphone có lẽ sẽ không vụt tắt, mà sẽ cẩn trọng hơn trong tương lai khi người mua hàng ngày càng 'khó tính' với các lựa chọn mua hàng mà mình đưa ra. Không phải là họ không đón nhận tính năng mới, họ chỉ chọn những tính năng thực sự cần thiết hoặc khiến cho họ nghĩ là cần thiết để quyết định mua hàng. Chẳng hạn như điện thoại gập đã tạo ra một nhu cầu khiến cho họ quyết định chọn mua dòng sản phẩm này để có máy gọn, đẹp với dòng flip và nhu cầu màn hình rộng khi cần với dòng fold.
Tạm kết
Tính năng camera thò thụt là một thứ sáng tạo và tuyệt vời trên smartphone, đối với mình đây là một thành phần sáng tạo và đem lại cảm giác sử dụng tốt nếu như các hãng smartphone biết tiếp cận đúng cách. Chắc có lẽ chúng ta sẽ thấy tính năng này quay trở lại hữu ích hơn trước đây, hoặc chờ những tính năng khác mang tính 'cách mạng' hơn camera thò thụt.
- Xem thêm bài viết chuyên mụcThị trường
[Product_Listing categoryid='3' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/mobile.html' title='Danh sách điện thoại đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']

Bình luận (0)