Thử chơi game trên chip Snapdragon X Elite: Auto SR đầy hứa hẹn, cần hỗ trợ nhiều tựa game hơn


Snapdragon X Elite đã ra mắt trên những laptop mới, hứa hẹn về khả năng làm việc mạnh mẽ và thời lượng pin ấn tượng. Tuy nhiên, khi chơi game, mẫu CPU này lại khá "kén cá chọn game". Dù tích hợp tính năng upscale Auto SR, nhưng điều đó vẫn chưa đủ.
Copilot+ PC đương nhiên không dành cho việc chơi game, mục đích gốc của nó chính là để phổ cập công nghệ và tính thực dụng của AI vào luồng công việc hàng ngày. Tuy nhiên, với số tiền hơn 30 triệu bỏ ra để sở hữu một chiếc laptop ASUS AI, nhu cầu chơi game nhẹ nhàng xả stress, giải trí vui vẻ là không thể thiếu.
Là chiếc laptop AI sở hữu Snapdragon X Elite được bán chính hãng đầu tiên ở Việt Nam tại CellphoneS, mời bạn đọc hãy cùng mình tận hưởng những phút giây gaming vô cùng mới mẻ trên ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024.
Chi tiết cấu hình và công nghệ đi kèm
Chiếc laptop ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024 mà mình đang có sẽ có cấu hình sử dụng Snapdragon X Elite mã X1E-78-100, phiên bản X Elite cơ bản nhất trong dàn line-up có đến 4 mã khác nhau. Và ASUS đã cho chiếc Ultrabook này có mức tiêu thụ điện năng (TDP) lên đến 45W, mạnh nhất trong số những dòng Copilot+ PC sắp và đã ra mắt trên toàn cầu.
Phiên bản mặc định bán tại thị trường Việt Nam sẽ có 32GB RAM. Kết hợp với iGPU Qualcomm Adreno trên CPU và công nghệ Auto SR (Super Resolution) có trên phiên bản Windows 24H2 mới nhất, những tựa game mình chơi thử bên dưới đây sẽ đem lại một trải nghiệm mượt mà và hoàn toàn mới mẻ.
Công nghệ Auto SR được Microsoft công bố sẽ support mặc định cho loạt game sau, đó là: BeamNG.drive, Borderlands 3, Control (dx11), Dark Souls III, God of War, Kingdom Come: Deliverance, Resident Evil 2, Resident Evil 3, Sekiro Shadows Die Twice, Sniper Ghost Warrior Contracts 2 và cuối cùng là The Witcher 3.
Kể sơ qua một vài tựa game mình sẽ test, đó sẽ là God of War, Counter Strike 2, Borderlands 3, Sub Nautica, Shadow of The Tomb Raider, và đặc biệt là GTA V. Chi tiết thế nào? Mời bạn theo dõi tiếp bên dưới đây.
Test game với Snapdragon X Elite
God of War (2018): 41 FPS, Low setting, 720p (có Auto SR)
Với tựa game này, mình sẽ để cài đặt là Low Setting vì nó tương đối nặng, để Low cho an toàn, và độ phân giải là HD. Chơi ở chế độ cửa sổ window thay vì full màn hình.
Lý do vì sao mình sẽ giải thích ngay, vì công nghệ Auto SR chỉ hoạt động khi chơi game ở độ phân giải này và chế độ cửa sổ. Thì NPU lúc này mới bắt đầu hoạt động, tinh chỉnh, nâng cấp chi tiết hình ảnh. FPS có thể gọi là tạm được, 35 - 48, nhưng hình ảnh thì mình thấy bị răng cưa khá nhiều, nhìn không được tự nhiên.


Chuyển qua chơi full màn hình, lúc này mình có thể chỉnh độ phân giải lên cao nhất lên đến 2.8K, chất lượng hình ảnh mình vẫn để Low. Và FPS cũng bắt đầu tuột đáng kể, chỉ còn dao động trong khoảng từ 26 - 31. Nhưng bù lại, hình ảnh đẹp hơn, chi tiết và màu sắc tự nhiên, dễ nhìn hơn. Tuy nhiên, ở mức FPS này chỉ gọi là đủ chơi chữa cháy chứ không gọi là mượt.


So sánh hình ảnh khi có Auto SR và không có Auto SR:


Counter Strike 2: 56 FPS, Low setting, 720p (không Auto SR)
CS2 không thuộc danh sách được công nghệ Auto SR hỗ trợ tăng cường chi tiết hình ảnh. Vì vậy, mình chỉ có thể cài đặt đồ họa ở mức Low, độ phân giải thấp nhất là HD. Có thể gọi là chữa cháy cho những xạ thủ ham vui.
Tất nhiên, nghe tới setting là biết ngay FPS sẽ ở mức gọi là tạm được, với 56 FPS là đỉnh điểm nhất. Nhưng trong quá trình di chuyển nhân vật, dừng và ngắm bắn, liên tục xảy ra hiện tượng bị giật khung hình. Y hệt như lúc mạng bị chậm vậy, cử chỉ và hành động bị nhảy khá nhiều. Chơi không được thoải mái cho lắm dù FPS gần 60 cũng không phải là quá tệ.


Borderlands 3: 35 FPS, Low setting, 720p (có Auto SR)
Borderlands 3 thuộc danh sách được hỗ trợ Auto SR, và ở tựa game này, mình có thể nhận thấy hiệu quả thực sự của khả năng nâng cấp chi tiết hình ảnh của AI. Như các bạn đã biết thì đây là một tựa game có đồ họa phong cách animated (hoạt họa), cấu trúc vật thể trong game khá đơn giản. Nên khi được nâng cấp tự động, hình ảnh trở nên chi tiết hơn rất nhiều.
Font chữ trong game là đặc điểm dễ nhận thấy nhất, khi Auto SR nâng cấp chi tiết thì bắt đầu thấy các nét chữ bị biến đổi. Không được liền lạc cho lắm, nhưng vẫn có thể đọc được, và các đường nét của từ ký tự cũng khá rõ ràng.


Sau đó là đến nhân vật trong game, vũ khí đã được AI tinh chỉnh để có chi tiết cao hơn, màu sắc thể hiện rõ rệt hơn, không còn bị hiện tượng răng cưa, bề mặt vật thể trở nên phẳng và mịn hơn. Không bị mờ nhòe, nhìn khá mượt và chi tiết tốt gần tương tự như độ phân giải Full HD.
Chuyển qua chơi chế độ Full màn hình, vẫn độ phân giải cũ và Low setting, ngay lập tức sẽ thấy các đường nét vật thể và khung cảnh trong game có răng cưa, mờ nhòe rõ rệt. Tính ra, Auto SR dường như sẽ phù hợp nhất với những tựa game có đồ họa phong cách anime, họa hình hơn là đồ họa chân thật.
So sánh hình ảnh khi có Auto SR và không có Auto SR bạn đọc có thể


Subnautica: 58 FPS, Medium setting, 720p (có Auto SR)
Dù không thuộc danh sách hỗ trợ Auto SR, nhưng tựa game lặn biển Subnautica huyền thoại vẫn được ứng dụng công nghệ upscale hình ảnh từ AI. Khi chơi ở chế độ xem cửa sổ với cài đặt Medium setting, mức FPS khóa chặt ở 60, mượt mà dễ chơi. Chi tiết vật thể tốt, màu sắc hài hòa, trải nghiệm ổn áp ở độ phân giải 720p hơn các tựa game khác.


FPS sẽ bị tuột xuống còn 48 ngay khi chuyển qua chơi full cửa sổ. Có thể thấy so sánh sự khác biệt rõ rệt về chi tiết hình ảnh trong 2 hình bên dưới đây khi để chế độ cửa sổ và full màn hình:


Shadow of the Tomb Raider: 42 FPS. Low setting, 720p (có Auto SR)
Shadow of The Tomb Raider khi được Auto SR nâng cấp chi tiết hình ảnh, nhưng hiệu quả đem lại không đáng kể dù được hỗ trợ ngay từ đầu. Đây là một tựa game có cấu trúc đồ họa quá phức tạp, với môi trường cây cối nhiều, ánh sáng thấp, nên việc Auto SR chưa thể tách bạch được các chi tiết với nhau là chuyện đương nhiên.


Vẫn là ở cài đặt Low và độ phân giải HD, mình có một trải nghiệm chơi khá là mỏi mắt với tựa game này. Hình ảnh tổng thể khá mờ nhòe, FPS cũng không cao, chỉ dao động trên dưới 30. Mình có chơi ở cả 2 chế độ cửa sổ và full màn hình, nhưng sự khác biệt là không thể nhận ra. Vẫn tương tự nhau mà thôi, chưa được mượt mà và sắc nét.




GTA V: 65 FPS, High setting, 1080p (không Auto SR)
Tuổi thơ hầu hết anh em chúng ta đều gắn liền với tựa game này. Dù không hỗ trợ Auto SR, nhưng tựa game này lại đạt đỉnh điểm của sự hoàn hảo khi chơi game trên một con chip thuần ARM như Snapdragon X Elite. Với mức cài đặt High, độ phân giải Full HD, dễ dàng đạt được 65 FPS và duy trì ổn định từ 65 - 80 trong suốt quá trình chơi.


Những phân cảnh nhiệm vụ bắn nhau với nhiều cảnh sát, nhiều phương tiện xe cộ, hiệu ứng cháy nổ, vẫn rất mượt mà, FPS không bị tuột quá nhiều. Chỉ hơn kém vài FPS không đáng kể. Điều này cho thấy, chỉ áp dụng phần cứng thuần GPU Adreno vượt trội hơn Intel Arc Graphics rất nhiều.



Snapdragon X Elite đọng lại nhiều điều hứa hẹn
Đầu tiên là về vấn đề nhiệt độ, một trong những lợi thế to lớn của Snapdragon X Elite. Các mẫu Ultrabook thông thường sẽ nhanh chóng nóng lên khoảng gần 100 độ khi chơi game. Với ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024, máy đem lại sự mát mẻ toàn diện, xuyên suốt quá trình chơi, và tiếng ồn của quạt tản nhiệt là không đáng kể.
Kể cả khi mình rút sạc, chơi game trên dung lượng pin mặc định, thì mức FPS vẫn giữ nguyên dao động trong từng tựa game. Không hề bị sụt giảm chút nào, chứng tỏ được khả năng tối ưu sức mạnh trong khi vẫn có thể tiết kiệm năng lượng của Snapdragon X Elite là cực kỳ tốt.
Chi tiết hơn về công nghệ Auto SR, nó chỉ giúp upscale ảnh độ phân giải thấp lên cao nhất, áp dụng các thuật toán AI tác động chỉnh sửa ảnh như: upsale, sharpen, denoise, v.v… chứ không giúp cho FPS tăng lên chút nào cả. Và chú ý thêm, là phải mở chế độ cửa sổ, không phải toàn màn hình thì Auto SR mới hoạt động.


Mình cũng có test các tựa game phổ biến khác là Liên Minh huyền thoại, Valorant, Dota , ZenlessZone Zero, Fifa Online. Kết quả cho thấy tương thích kém, không thể khởi chạy trên ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024.
Xbox Store cũng chưa thể xài được dù mình có đăng ký Xbox Game Pass, 1 điều khá vô lý khi Microsoft đã quên tối ưu con ghẻ này rồi hay sao?
Game thủ nên cân nhắc kỹ trước khi mua
Nhấn mạnh một lần nữa, ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024 không dành cho chơi game, sử dụng làm việc hơn. Tuy nhiên các laptop ultrabook chạy chip Snapdragon X Elite hứa hẹn trong tương lai sẽ hỗ trợ nhiều tựa game hơn với hiệu năng vượt trội có thể cạnh tranh đối thủ khác.
Xem thêm:
- Trên tay ASUS Vivobook S 15 AI 2024: Snapdragon X Elite với những trải nghiệm AI chưa từng có, giá 34.9 triệu
- Đọ sức ASUS Vivobook S 15 vs MacBook Air M3 : Khi hiệu năng AI của tương lai đối đầu laptop hoàn hảo hiện tại
Hiện tại, ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024 đã được độc quyền mở bán tại các cửa hàng thuộc hệ thống CellphoneS trên toàn quốc. Mời bạn đọc tham khảo chi tiết ở phần bên dưới đây, cũng như tìm địa chỉ shop gần nhất để tới trải nghiệm.
[Product_Info id='83094']

Bình luận (0)