Đánh giá Lenovo Ideapad Slim 5: Laptop pin 19 giờ, hiệu suất vượt trội với Snapdragon X Plus trong phân khúc 20 triệu


Với mức giá hợp lý và hiệu năng vượt trội, Lenovo IdeaPad Slim 5 trang bị Snapdragon X Plus chính là sự lựa chọn đáng giá cho những ai muốn có một chiếc ultrabook nhẹ nhàng, mạnh mẽ và có thời gian sử dụng pin dài.
Cái tên IdeaPad Slim 5 rất quen thuộc với thị trường Việt Nam khi Lenovo luôn cập nhật những cấu hình mới cho dòng sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung này. Tính riêng tại CellphoneS, IdeaPad Slim 5 đã có tới 3 phiên bản dùng CPU Intel Core i và Core Ultra Series 1. Sản phẩm trong bài là phiên bản mới nhất trang bị bộ xử lý Snapdragon X Plus. Hãy cùng mình tìm hiểu xem CPU kiến trúc ARM từ Qualcomm đem tới sự khác biệt gì so với nền tảng x86/x64 truyền thống nhé.
Thiết kế thanh lịch, hiện đại nhưng hơi thiếu điểm nhấn
Ngoại hình trên phiên bản dùng CPU Snapdragon không khác biệt so với đàn anh trang bị bộ xử lý Intel. Chúng ta vẫn có một mẫu ultrabook với khung vỏ được hoàn thiện bằng kim loại. Tông màu xám bạc chủ đạo, điểm xuyết vào đó là logo Lenovo được in dập nổi trên nền phay xước ở nắp máy (mặt A) và chiếu nghỉ tay (mặt C). Với những ai theo đuổi phong cách tối giản sẽ thích thiết kế của máy. Nhưng ở góc độ mưu cầu tính thẩm mỹ cao hơn nữa, phần mặt A của đại diện nhà Lenovo đang khá đơn điệu, chưa tạo được điểm nhấn cần thiết.

Kích thước và trọng lượng của Lenovo IdeaPad Slim 5 ở tạm ổn khi so sánh với các mẫu ultrabook khác cùng phân khúc. Máy sở hữu "số đo" các vòng lần lượt 312 x 221 x 16.9 mm, cân nặng 1,48 kg. Dù dễ dàng mang vác sử dụng hằng ngày nhưng trọng lượng của đại diện nhà Lenovo là điểm trừ nhỏ khi so sánh với Macbook Air M2 (1,27 kg), Vivobook S 14 OLED (1,3 kg), thậm chí là Vivobook S 15 OLED (1,42 kg) với màn hình 15".

Hơi nặng nhưng bù lại IdeaPad Slim 5 sở hữu chất lượng hoàn thiện tốt với lớp vỏ dày dặn, cứng cáp. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được điều này khi cầm vào (hãy ra đại lý CellphoneS gần nhà nhất để được trải nghiệm nha). Mình đã thử dùng tay nhấn mạnh lên nắp máy nhưng không hề có hiện tượng flex. Ngoài ra hãng cho biết máy đạt độ bền chuẩn quân đội Mỹ MIL-STD 810H với 21 bài kiểm tra.

Ngay cả việc mở máy sử dụng hằng ngày cũng cho thấy sự chỉnh chu, cao cấp với phần bản lề cứng cáp. Bạn có thể mở máy tối đa góc khoảng 160 độ và dễ dàng làm điều này chỉ với một tay. Phần gờ nhô lên chính giữa nắp máy vừa là chi tiết nhấn nhá, vừa giúp việc mở máy dễ dàng. Bản lề máy đủ tốt để giữ phần màn hình ổn định trong nhiều tình huống, từ để trên đùi làm việc hay chỉ hé một khoảng nhỏ so với phần bàn phím.

Về cổng kết nối, IdeaPad Slim 5 có đủ các cổng kết nối thường dùng hiện nay với 2 cổng USB-C 3.2 Gen 2 hỗ trợ sạc Power Delivery 3.0 + xuất hình Display Port 1.4, 2 cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng HDMI 2.1, khe thẻ nhớ Micro SD và giắc âm thanh 3,5mm. Điểm thua thiệt nhỏ khi so với sản phẩm đối thủ là việc máy không hỗ trợ chuẩn ThunderBolt 4/USB 4 vốn cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn đến 4 lần.
Bàn phím của máy cho trải nghiệm gõ ở mức khá. Kích thước và khoảng cách phím hợp lý, kết hợp cùng độ nảy tốt giúp thao tác nhập liệu ít sai sót. Hành trình phím hơi nông là điểm bạn cần làm quen. Touchpad ở mức tốt nhờ được phủ gương, kích thước tương đối lớn mang lại khả năng di chuột, thực hiện thao tác đa điểm dễ dàng.


Màn hình OLED 14" tỷ lệ 16:10, độ phân giải FHD+ (1900 x 1200 pixel), tần số quét 60Hz trên IdeaPad Slim 5 có phần thể hiện tròn vai. Chúng ta vẫn cảm nhận được ưu thế của tấm nền OLED với màu đen tuyệt đối, các gam màu rực rỡ, chi tiết hiện lên trong trẻo thông qua lớp phủ gương.


Điểm hạn chế của màn hình này đến từ độ sáng tối đa khá thấp (400 nit), cộng thêm màn hình gương khiến việc sử dụng ở nơi có ánh sáng môi trường mạnh sẽ gặp hiện tượng khó nhìn. Độ sắc nét là điểm Lenovo chấp nhận đánh đổi bởi độ phân giải FHD+ là không thể so sánh với 2,8K trên bộ đôi Vivobook S từ ASUS hay màn hình Retina trên Macbook Air M2. Bù lại chúng ta sẽ có thời lượng sử dụng pin cực kỳ ấn tượng mà mình sẽ đề cập chi tiết ở phần sau.

Hiệu năng dư sức cho văn phòng, còn nhiều ứng dụng chưa tương thích
IdeaPad Slim 5 được đánh giá trong bài sử dụng bộ xử lý Snapdragon X Plus với mã X1P-42-100. Đây là CPU thấp nhất thuộc series Snapdragon X được Qualcomm làm riêng cho laptop ở thời điểm hiện tại. Cụ thể CPU bên trong đại diện nhà Lenovo sở hữu 8 nhân xử lý, ít hơn 4 nhân so với CPU Snapdragon X Elite, xung nhịp boost tối đa đạt 3,4 GHz. GPU cũng bị cắt giảm với mã XI-45 cho hiệu suất tính toán tối đa 1,7 TFLOPS, thấp hơn đáng kể so với 3,8 FLOPS của X1E-78-100. Điểm sáng là mẫu CPU "em út" này vẫn có NPU 45 TOPs và dùng bộ nhớ RAM LPDDR5X 8448 MT/s.
Về bộ nhớ, sản phẩm trong bài được trang bị 16GB RAM (không nâng cấp được) và 512GB SSD PCIe Gen 4x4 chuẩn M2 2242. Đây là trang bị phổ biến đối với ultrabook phân khúc giá 20 triệu đồng ở thời điểm hiện tại.
Benchmark các bài test
Để thử nghiệm hiệu năng thực tế, sau đây mời các bạn xem qua các bài benchmark mình đã test:
.jpg)




.jpg)


So sánh hiệu năng của Lenovo IdeaPad Slim 5 so với các đối thủ
Hiệu năng thực tế qua các bài benchmark cho thấy dù là tân binh trong làng vi xử lý laptop nhưng sản phẩm từ Qualcomm nói chung, Snapdragon X Plus bên trong IdeaPad Slim 5 nói riêng đã cho thấy sức mạnh rất cạnh tranh. Nhìn qua con số đo được từ CineBench 2024 bản dành riêng CPU ARM hay Geekbench 6, chúng ta có thể thấy sức mạnh của Snapdragon X Plus mạnh ngang ngửa, thậm chí nhỉnh hơn khi so với Intel Core Ultra 5 125H hay Apple M2.
Máy chạy rất mát và yên lặng trong suốt quá trình thử nghiệm. Ngay cả với tác vụ nặng chạy thời gian dài như trong Cinebench 2024, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 72 độ C. Mình thậm chí không thấy máy nóng lên ở khu vực khe tản nhiệt hay nghe được tiếng ồn của quạt. Đây cũng là một ưu điểm mà bộ xử lý kiến trúc ARM mang lại.

Điểm yếu ở thế hệ vi xử lý cho laptop hiện tại của Qualcomm vẫn thể hiện rõ trên mẫu Snapdragon X Plus X1P-42-100, đó là GPU tích hợp khá yếu. Ở bài kiểm tra năng lực tính toán OpenCL trên GeekBench 6, cả 2 đại diện dùng bộ xử lý Qualcomm đều cho kết quả thấp hơn từ 2,5 đến 3 lần so với đối thủ.
Ở các ứng dụng thực tiễn như bộ Microsoft Office, giải mã và xem nội dung 4K trên trình duyệt/app xem video cho đến biên tập video cơ bản trên Capcut, edit hình với Lightroom, IdeaPad Slim 5 đều xử lý mượt mà nhờ vào hiệu suất tốt của CPU. Mình có thử một file Excel có lượng dữ liệu 50,000 dòng, máy mở lên và phản hồi nhanh chóng các thao tác lệnh tìm kiếm, thay thế, vẽ biểu đồ.

Sức mạnh GPU yếu là điểm khiến mẫu ultrabook của Lenovo tỏ ra kém hiệu quả trong các tác vụ như xử lý hình ảnh phức tạp, tác vụ AI dùng nhiều GPU và cả việc chơi game. Ví dụ trong Lightroom, khi cần dùng tới tính năng AI tận dụng GPU như Denoise, máy chậm chạm hẳn khi tốn từ 3 - 13 phút xử lý xong cho 1 tấm ảnh.


Chơi game vẫn là "niềm đau" chung của laptop dùng CPU kiến trúc ARM và IdeaPad Slim 5 không ngoại lệ. Bên cạnh việc sức mạnh GPU có phần hạn chế, phần lớn các tựa game hiện tại vẫn chưa tối ưu cho nền tảng ARM nên việc hoạt động thông qua lớp phiên dịch cũng giảm phần nào hiệu năng thực sự. Thử nghiệm với Genshin Impact, vốn là game hỗ trợ đa nền tảng từ máy tính đến smartphone nên việc trải nghiệm trên IdeaPad Slim 5 khá thuận lợi. Với thiết lập đồ hoạ mức Thấp, độ phân giải FHD+, laptop nhà Lenovo cho mức khung hình trung bình 40 FPS. Khi vào chiến đấu hoặc khung cảnh nhiều NPC, khung hình giảm nhẹ ở mức 30 - 33 FPS, nhìn chung là chơi được.

Với cái tên lão làng của PC là CSGO 2 ở thiết lập đồ hoạ thấp nhất, mặc dù mức FPS đo được có thể chạm mốc gần 60 FPS tuy nhiên lại trồi sụt liên tục khiến mình gần như không thể chơi. Hiện tượng lag diễn ra thường xuyên có thể đến từ việc tương thích chưa tốt bởi đây vốn là game thiết kế cho nền tảng x86/x64 truyền thống.

Ở thời điểm bài viết này (đầu tháng 12 năm 2024), khoảng 6 tháng kể từ khi Microsoft và Qualcomm bắt tay ra mắt chuẩn Copilot+ PC trên nền tảng Snapdragon X Elite và Plus, số lượng ứng dụng cập nhật hỗ trợ nền tảng ARM trên Windows 11 đã tăng lên nhiều. Ví dụ như chúng ta đã có trình duyệt Chrome cho ARM, bộ Microsoft Office 365 chính chủ, app Google Drive trên Windows, Capcut bản PC, Lightroom và Photoshop từ Adobe. Ở góc độ người dùng học sinh, sinh viên đến nhân viên văn phòng cơ bản, trải nghiệm sử dụng hằng ngày không hề khác biệt nếu so với laptop trang bị Intel, AMD.

Tuy vậy vẫn còn nhiều ứng dụng, tính năng chưa được cập nhật để tương thích Windows 11 ARM hay tận dụng NPU có bên trong bộ xử lý của Qualcomm. Trên IdeaPad Slim 5, mình không thể kết nối vô NAS qua giao thức SMB 1. Trong bộ ứng dụng của Adobe, các cái tên khác như Premiere, After Effect, Illustrator vẫn chưa hẹn ngày xuất hiện. Hay việc tận dụng NPU 45 TOPs vẫn diễn ra "nội bộ" trên Windows 11 với bộ Windows Studio Effect trong camera, Co-Creator trong Paint. Tính năng "đỉnh nhất" Recall hiện mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thể cập nhật đại trà. Adobe từng hứa hẹn sẽ cho phép các tính năng AI như Denoise tận dụng NPU trong các laptop Copilot+ PC mới nhưng hiện tại mình test chưa tối ưu được, máy vẫn xử lý qua CPU mà thôi.

Thời lượng pin là điểm ấn tượng nhất, lên tới 19 giờ liên tục
Được trang bị viên pin 57Wh, không phải là lớn nhất phân khúc laptop 14" tuy nhiên IdeaPad Slim 5 với bộ xử lý Snapdragon X Plus cho thấy hiệu quả năng lượng vượt trội, cũng như khả năng tối ưu của Lenovo. Hãng cho biết với tác vụ xem video liên tục, màn hình độ sáng 150 nit, máy cho thời gian hoạt động liên tục đạt 25,2 giờ.
Mình đo thời lượng pin của máy bằng PCMark 10 với bài thử Application, giả lập các tác vụ quen thuộc như bộ office, lướt web, email, xem video … với thiết lập màn hình độ sáng 50%, đại diện từ Lenovo trụ được đến 19h liên tục mới sập nguồn. Thực sự ấn tượng!

Ở điều kiện sử dụng thực tế, mình dùng có phần khắt nghiệt hơn khi liên tục cho máy chạy các bài benchmark, test game hay chỉnh sửa hình ảnh trong nhiều ngày, ứng dụng Pure Battery Analytics cho thấy máy có thể chinh chiến liên tục hơn 11 giờ liên tục.

Đi sâu hơn vào từng tác vụ, mình có đo lại việc hao tốn năng lượng trong một vài trường hợp sử dụng máy. Có thể thấy với tác vụ nặng như chơi game hay chỉnh sửa hình ảnh liên tục, máy trụ được tầm 2-3 tiếng đồng hồ. Đến tác vụ cơ bản hằng ngày như lướt web, xem video thì IdeaPad Slim 5 thực sự tối ưu, cho mức tiêu thụ điện thấp, từ đó mang đến kết quả dùng pin ấn tượng như ở trên.

Đi kèm máy là củ sạc Type-C công suất 65W và công nghệ sạc nhanh Rapid Charge. Sau khoảng 1 giờ cắm sạc, viên pin bên trong máy đã đầy được khoảng 60%.
Kết luận
Với mức giá 22,99 triệu đồng tại CellphoneS, IdeaPad Slim 5 phiên bản Snapdragon X Plus vừa làm phong phú thêm dải sản phẩm ultrabook của Lenovo, vừa đem tới cho người dùng lựa chọn nhấn mạnh tới thời lượng sử dụng pin vượt trội. Với đối tượng người dùng như học sinh, sinh viên cho tới nhân viên văn phòng vốn gắn liên các tác vụ trên nền web, email, office, đây sẽ là lựa chọn hấp dẫn bởi pin lâu, chất lượng hoàn thiện tốt. Nếu như có ứng dụng đặc thù cần sử dụng, bạn có thể đến cửa hàng CellphoneS gần nhất để thử cài đặt và trải nghiệm trực tiếp trên sản phẩm.
Xem thêm: Đánh giá Acer Aspire 3 Spin 14: Cảm ứng và gập 360 độ sale Black Friday chỉ 7.5 triệu
[Product_Info id='90907']

Bình luận (0)