Cầm lại Nintendo DSi sau gần 2 thập kỷ: “Huyền thoại” vẫn đáng chơi đến khó tin

Đánh giá Nintendo DSi, mẫu máy chơi game cầm tay 2 màn hình độc đáo, sau 17 năm tuổi liệu còn làm được gì?
Chiếc Nintendo DSi mình đang cầm trên tay đã ra mắt từ gần 17 năm trước, nhưng liệu nó còn làm được gì trong thời đại công nghệ hiện tại? Cùng mình đánh giá Nintendo DSi này xem mẫu máy này nên nằm trong kho đồ cổ hay cổ máy chơi game vượt thời gian?
Xem thêm: 15 năm sau ngày ra mắt, vì sao Nintendo 3DS vẫn là “báu vật” trong mắt game thủ?
Thiết kế nhỏ gọn đúng chất máy cầm tay
Đánh giá Nintendo DSi sở hữu thiết kế nhỏ gọn tương đương một chiếc điện thoại 5.8 inch ngày nay. Vỏ máy được làm từ nhựa nhám, không chỉ nhẹ mà còn cực kỳ bền bỉ, bằng chứng là chiếc máy sau 17 năm vẫn hoạt động tốt.




Bản lề Nintendo DSi vô cùng cứng cáp khi có thể dễ dàng mở ở nhiều góc độ và mở tối đa là 180 độ. Phần màn hình và thân máy có phần nam châm hít khá chắc chắn tạo cảm giác phấn khích khi mở máy để sử dụng.


Cụm phím D-Pad và A/B/X/Y trên DSi cho cảm giác bấm nhẹ, nảy tốt và rất chính xác, phù hợp cho cả game hành động lẫn giải đố. Hai nút trigger L và R ở cạnh trên được đặt vừa tầm tay, dễ thao tác kể cả khi chơi lâu. Dù đã 17 năm, phím vẫn chắc chắn, không bị lún hay kẹt, cho thấy độ bền ấn tượng của máy.




Ở cạnh trái bản lề sẽ bao gồm đèn trạng thái máy cho biết máy có kết nối Wi-Fi, cắm sạc hay đang bật máy hay không? Các đèn được chia làm 3 màu khác nhau rất dễ nhận biết nên khi xài bạn dễ dàng biết máy đang ở trạng thái nào.

Phần màn hình trên của máy có hai cụm loa đối xứng, được đặt trong khoang âm thanh lớn hơn, cho âm lượng tốt hơn. Ở chính giữa cụm bản lề bạn sẽ thấy ngay phần camera trước nhỏ nhắn với độ phân giải 0.3 MP (640 x 480)


Hai màn hình tưởng ngớ ngẩn nhưng rất hữu dụng
Nintendo DSi được trang bị hai màn hình LCD kích thước 3.25 inch, độ phân giải 256 x 192 pixel cho mỗi màn hình. So với các thiết bị hiện đại, con số này không ấn tượng, nhưng ở thời điểm ra mắt, đây là bước tiến so với Nintendo DS Lite trước đó, với màn hình lớn hơn và sáng hơn. Cả hai đều là màn hình TFT, tái tạo màu sắc khá tốt trong điều kiện ánh sáng vừa phải. Đặc biệt, màn hình dưới còn tích hợp cảm ứng điện trở, cho phép người dùng tương tác bằng bút stylus đi kèm.

Cách bố trí hai màn hình trên Nintendo DSi có chủ đích rõ ràng. Màn hình trên chủ yếu dùng để hiển thị hình ảnh chính trong game, nhân vật, cảnh nền hoặc góc nhìn chính. Màn hình dưới, nhờ cảm ứng, được dùng để hiển thị các yếu tố tương tác như bản đồ, menu, hoặc các nút bấm ảo. Thiết kế này giúp người chơi thao tác nhanh hơn mà không cần dừng lại hoặc vào menu phụ như trên nhiều máy chơi game khác.


Nhiều tựa game và ứng dụng trên DSi tận dụng cực tốt khả năng hiển thị hai màn hình. Ví dụ, trong Brain Age, màn hình trên hiển thị câu hỏi trong khi màn hình dưới cho phép bạn viết câu trả lời trực tiếp bằng bút cảm ứng. Game The World Ends with You thậm chí còn chia lối chơi thành hai phần, bạn điều khiển nhân vật chính bằng các phím bấm trên màn hình phía trên, trong khi vừa phải điều khiển nhân vật phụ bằng cảm ứng ở màn hình dưới tạo cảm giác “đa nhiệm” rất đặc biệt.


Ngoài game, các ứng dụng như DSi Camera hay DSi Browser cũng tận dụng tốt việc phân chia hiển thị, mang đến trải nghiệm thuận tiện hơn.
Hiệu năng trường tồn theo thời gian
Nintendo DSi được trang bị bộ vi xử lý kép ARM9 (133 MHz) và ARM7 (33 MHz), một cấu hình khiêm tốn nếu so với các thiết bị hiện đại, nhưng lại cực kỳ phù hợp với hệ sinh thái game thời đó. Nhờ việc Nintendo thiết kế phần cứng và phần mềm “khớp răng” gần như tuyệt đối, DSi có thể xử lý các tựa game như New Super Mario Bros, Pokémon Black/White hay Zelda: Phantom Hourglass một cách mượt mà, không hề có độ trễ.
Hệ điều hành của máy nhẹ, không rườm rà, giúp khởi động nhanh và chuyển đổi tác vụ gần như tức thời, mang lại trải nghiệm liền mạch và ổn định, đặc biệt là khi so sánh với smartphone đời cũ chạy game qua giả lập.

Dù đã 17 năm tuổi, Nintendo DSi vẫn cho cảm giác chơi game rất “ngon” – không lag, không giật, chỉ có trải nghiệm mượt mà và chân thật. Cấu hình máy dù không mạnh nếu nhìn từ tiêu chuẩn ngày nay, nhưng lại được tối ưu hoàn hảo cho mọi tựa game trên hệ máy DS.
Kho game đồ sộ dù đã ngừng hỗ trợ
Kể từ khi Nintendo chính thức đóng cửa eShop trên DSi, người dùng không còn cách tải game kỹ thuật số trực tiếp về máy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không còn cách để chơi game trên DSi. Chiếc máy vẫn hoàn toàn tương thích với hàng trăm băng game vật lý dành cho hệ máy Nintendo DS từ những tựa game huyền thoại như Pokémon HeartGold, New Super Mario Bros. cho tới các tựa game niche như Hotel Dusk hay Elite Beat Agents.

Chỉ cần cắm băng vào khe đọc phía sau, bạn có thể chơi ngay lập tức mà không cần kết nối mạng hay đăng nhập tài khoản gì cả.

Ngoài băng game vật lý, Nintendo DSi cũng hỗ trợ mở rộng bộ nhớ thông qua thẻ SD dung lượng tối đa 32GB (FAT32). Nếu bạn biết cách sử dụng phần mềm homebrew, bạn có thể cài đặt các trình giả lập hoặc launcher như HiyaCFW, cho phép chạy game định dạng ROM ngay từ thẻ nhớ. Việc này giúp tiết kiệm pin hơn, tiện lợi hơn khi bạn muốn mang theo nhiều game mà không cần thay băng.
Tuy nhiên, cần lưu ý là DSi chỉ nhận định dạng SD thường (không hỗ trợ SDHC trên 32GB), và thao tác cài đặt cần một chút kiến thức kỹ thuật cơ bản để đảm bảo an toàn cho máy.

Thời lượng pin dư sức chiến cả ngày
Đánh giá Nintendo DSi được trang bị viên pin dung lượng 840 mAh. Nghe qua có vẻ khiêm tốn, nhưng nhờ phần cứng tiêu tốn ít điện năng, máy vẫn có thể hoạt động ấn tượng trong thời gian dài. Qua trải nghiệm thực tế của mình, khi chơi Super Mario Kart DS liên tục với độ sáng ở mức trung bình, máy hoạt động được khoảng 6 tiếng rưỡi trước khi báo pin yếu.
Còn với Contra 4, một tựa game hành động có tiết tấu nhanh nhưng đồ họa nhẹ hơn, thời gian sử dụng lên tới gần 8 tiếng. Đây là mức pin quá ổn cho một chiếc máy đã 17 năm tuổi.

Nintendo DSi sử dụng cổng sạc riêng của Nintendo (gọi là DSi AC Adapter) thay vì các chuẩn thông dụng như microUSB hay USB-C. Vì vậy nếu bạn không còn giữ củ sạc gốc, sẽ hơi khó khăn khi tìm thay thế. Tốc độ sạc của máy cũng tương đối chậm, tuy nhiên, với thời lượng sử dụng bền bỉ như đã nói ở trên, bạn sẽ không phải sạc quá thường xuyên trong ngày.

Tạm kết
Sau khi trải nghiệm lại Nintendo DSi sau gần 17 năm, mình thật sự ấn tượng với độ bền, hiệu năng ổn định và kho game chất lượng mà chiếc máy này vẫn giữ được. Dù không còn được Nintendo hỗ trợ chính thức, DSi vẫn để lại một di sản lớn cho thế giới game cầm tay từ việc tiên phong sử dụng hai màn hình (một cảm ứng), đến kho game phong phú đủ mọi thể loại, từ nhập vai, hành động cho tới giáo dục và âm nhạc. DSi không chỉ là một chiếc máy chơi game, mà còn là một phần ký ức đẹp của cả một thế hệ game thủ.
Với những giá trị còn giữ được cho tới hôm nay, Nintendo DSi đặc biệt phù hợp với những ai yêu thích sưu tầm máy chơi game cổ, đam mê phong cách game cổ điển Nhật Bản, hoặc đơn giản là muốn tìm lại cảm giác cầm trên tay một chiếc máy chơi game đúng nghĩa "cầm tay"
Xem thêm:
- Đánh giá Micron 2600 2TB: QLC SSD không phải dạng vừa đâu
- Đánh giá Dell Alienware AW3425DW: Màn hình cong 34" 240Hz chuẩn OLED cho dân chơi FPS
[Product_Listing listid='79719,67330,62521' categoryid="" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/phu-kien/gaming-gear.html" title="Các mẫu Máy chơi game cầm tay đáng chú ý tại CellphoneS"]

Bình luận (0)