Đến Nokia còn hồi sinh được, liệu có còn tia hy vọng nào le lói cho HTC?

Trong tháng 8 vừa qua, doanh thu của HTC tăng trưởng tới 66.8% so với tháng 7, liệu đây có phải một tín hiệu đáng mừng cho sự nỗ lực hồi sinh của hãng?
HTC thay đổi chiến lược, nuôi hy vọng tái xuất thành công
Chiến lược tập trung vào công nghệ của tương lai
Từng là ông lớn trong làng công nghệ, thậm chí có thời điểm đã giữ vị trí số 3 thế giới, chỉ sau Apple và Samsung vào năm 2011, thế nhưng HTC lại tuột dốc không phanh và hiện chỉ còn chưa tới 1% thị phần trong thị trường di động, đang mấp mé ở bờ vực bị xóa sổ khỏi bản đồ smartphone thế giới.
Trước tình cảnh này, HTC gần đây đã đưa ra những động thái mới nhất, thể hiện rằng mình vẫn chưa từ bỏ và đang nuôi hy vọng trở lại thời kỳ hoàng kim bằng những chiến lược mới. Được biết, hướng đi của HTC trong năm 2019 là sẽ tiếp tục đầu tư vào các công nghệ AI, Blockchain và 5G, đồng thời ra mắt các mẫu điện thoại nằm ở nhiều phân khúc hơn.

Có lẽ biết trước sẽ không thể đuổi kịp các đối thủ hiện tại nên HTC đang xây dựng cho mình những đường đi nước bước táo bạo hơn, tập trung đón đầu các công nghệ của tương lai. Đầu tiên là 5G, sớm hay muộn cũng sẽ thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp di động. Với HTC 5G Hub, HTC vẫn đang giữ mối quan hệ tốt với một trong những nhà mạng lớn nhất tại Mỹ là Sprint, sắp sáp nhập với T-Mobile.
Bên cạnh đó, hãng cũng được cho là đang phát triển các mẫu smartphone blockchain thế hệ tiếp theo trong năm nay. Cách đây vài tháng, HTC đã trình làng chiếc điện thoại tiền ảo mới nhất là Exodus 1s, có thể lưu trữ mã thông báo và khóa mật mã của người dùng, cho phép người dùng bán dữ liệu của họ để đổi lấy tiền điện tử và mua các mặt hàng cũng thông qua tiền ảo.

Chuyển hướng sang thị trường smartphone giá rẻ
Mặc dù hồi cuối năm ngoái, HTC tuyên bố rằng công ty sẽ ra mắt thêm nhiều điện thoại từ tầm trung đến cao cấp trong nửa đầu năm 2019 để cạnh tranh với những chiếc iPhone của Apple. Tuy nhiên những động thái gần đây của hãng đang cho thấy một hướng đi hoàn toàn khác.
Sau khi rút khỏi thị trường Ấn Độ vào tháng 7/2018, mới đây HTC đã bất ngờ quay trở lại thị trường này sau hơn một năm vắng bóng. HTC U11 là chiếc smartphone cuối cùng của hãng tại Ấn Độ trước khi trở lại cách đây một tháng. Với sự trở lại lần này, có lẽ HTC sẽ bắt đầu chuyển sang bán điện thoại giá rẻ - tầm trung nhiều hơn, vì cơ bản Ấn Độ là thị trường rất nhạy cảm về giá.

Bên cạnh đó, mới đây, HTC đã chính thức ra mắt chiếc Wildfire X, gây ấn tượng với màn hình giọt nước, chip Helio P22, pin dung lượng 3,300 mAh và hệ thống 3 camera sau chất lượng nhưng mức giá chỉ từ 3.6 triệu đồng, khá rẻ so với hầu hết các sản phẩm trước đó của nhà sản xuất Đài Loan này. Có thể thấy, HTC đang dần thay đổi, nuôi hy vọng lấy lại thị phần.
HTC cần học ở Nokia những gì? Có còn cơ hội làm lại cho HTC?
Việc quay trở lại Ấn Độ với những mẫu điện thoại giá rẻ - tầm trung mới có thể sẽ giúp HTC thúc đẩy doanh số bán tốt hơn. Ấn Độ rất có ý nghĩa đối với sự hồi sinh của HTC, các nhà phân tích thị trường cho biết, số lượng người dùng smartphone tại đây đã tăng 7.1% chỉ trong Q1/2019 và dự kiến sẽ đạt 859 triệu vào năm 2022, chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khi mà người dùng Ấn Độ đang dần chuyển sang mua hàng trực tuyến, HTC cũng không cần phải xây dựng lại hệ thống cửa hàng ngoại tuyế. Flipkart, một dịch vụ thương mại điện tử của Ấn Độ, có thể đưa điện thoại của HTC đến với khách hàng với tốc độ chóng mặt và phân phối chúng đến tay hàng triệu người tiêu dùng.

Tuy nhiên đừng quên là cũng chính HTC 1 năm trước phải từ bỏ nơi này vì không thể cạnh tranh được với các hãng Android khác. Ấn Độ là một thị trường cực kỳ đông đúc và HTC sẽ phải vật lộn để trở nên nổi bật giữa một “rừng” smartphone đang dần bão hòa về thiết kế. Nếu không thể tự cứu mình, HTC sẽ bị chìm vào “vũng lầy”.
Ngoài ra, HTC cũng cần phải học hỏi từ những thất bại của các đối thủ đi trước và cách họ từ vực dậy chính mình, không ai khác chính là Nokia. Còn nhớ vào năm ngoái, HTC chỉ chiếm được 0.3% thị phần smartphone, đồng thời phải sa thải tới 1/5 nhân viên và 2.000 kỹ sư cho Google khi HTC bán mảng kinh doanh thiết kế điện thoại của mình. Tình cảnh éo le này làm chúng ta nhớ tới Nokia trong thời kì Windows Phone thất bại.
Theo Counterpoint Research, HMD Global đã bán được 4,8 triệu điện thoại thông minh mang nhãn hiệu Nokia trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019. Con số này là quá mức tưởng tượng cho một Nokia gần như đã phải “gửi lá thư tuyệt mệnh”. Để mà so sánh với Nokia 5 năm về trước, tình cảnh của HTC bây giờ chưa phải là quá tồi.

Cách mà HMD Global đưa Nokia từ cõi chết trở về đó là nắm bắt nhanh nhạy các xu hướng thiết kế và công nghệ smartphone mới, phát hành các mẫu điện thoại với xu hướng hiện đại, hệ điều hành Android gốc mượt mà, thông số kỹ thuật đáng nể và giá cả cực kỳ cạnh tranh. HTC có thể xem đây là một “bí kiếp” để hồi sinh.
Ngoài ra, một điểm chung khác giữa Nokia và HTC là cả hai đều có những chiếc smartphone cực kỳ “hoài niệm”, động thái của Nokia trong thời gian qua là hồi sinh các dòng điện thoại cũ bên cạnh việc ra mắt smartphone mới, cũng là một “chiêu thức” mà HTC có thể áp dụng. Đồng thời, việc mở rộng sang nhiều phân khúc và thị trường hơn cũng sẽ góp phần giúp HTC có màn trở lại mạnh mẽ hơn.
Tạm kết
HTC vẫn chưa 'chết', đặc biệt là khi hy vọng và khát khao sống của họ vẫn còn. Những thay đổi tích cực về kết quả doanh số lẫn doanh thu từ tháng 3/2019 đến giờ đang là một tín hiệu đáng mừng cho thấy HTC đang trở lại.
Chưa cần phải có quá nhiều đột phá, việc mà HTC cần làm ngay lúc này là bắt kịp xu hướng mới, mở rộng phân khúc giá cho các dòng sản phẩm, hoạt động ở nhiều thị trường hơn và đặc biệt là sử dụng chiêu bài “cạnh tranh bằng giá”. Đâu đó một ngày, chúng ta lại thấy một HTC giành lại ánh hào quang như thời điểm 8 năm về trước.

Bình luận (0)