Trang chủThị trường
iFixit mổ bụng iPad Pro M4 và Apple Pencil Pro, Tandem OLED không phải hai lớp OLED
iFixit mổ bụng iPad Pro M4 và Apple Pencil Pro, Tandem OLED không phải hai lớp OLED

iFixit mổ bụng iPad Pro M4 và Apple Pencil Pro, Tandem OLED không phải hai lớp OLED

iFixit mổ bụng iPad Pro M4 và Apple Pencil Pro, Tandem OLED không phải hai lớp OLED

Tiz
Ngày đăng: 20/05/2024-Cập nhật: 23/05/2024
gg news

Không chỉ cho chúng ta biết về cấu tạo bên trong của iPad Pro M4 và Apple Pencil Pro mà iFixit còn giải thích rõ hơn về cơ chế hoạt động của Tandem OLED.

iFixit cho biết cải tiến lớn nhất về thiết kế của iPad Pro M4 mới là khả năng thay pin cực kỳ dễ dàng, tuy nhiên nó vẫn cần một người có nhiều kinh nghiệm để có thể bung được phần màn hình khỏi thân máy một cách an toàn. Dưới đây là tất cả những gì chuyên trang sửa chữa đã chia sẻ về thiết bị này cũng như Pencil Pro mới.

Ultra Retina Display

Bắt đầu với Ultra Retina Display, Apple gọi đây là màn hình Tandem OLED. Cũng giống như những người anh em sử dụng màn hình LCD khác, các bộ phận bên trong của chiếc iPad mới này chỉ có thể tiếp cận được thông qua màn hình.

Lớp keo giữ màn hình không quá khó tách nhưng việc sửa chữa này sẽ không dành cho người yếu tim. Chắn chắn tấm nền Ultra Retina này sẽ rất tốn kém để thay thế và việc bung máy chắc chắn sẽ có nguy cơ làm hỏng nó.

Tấm nền mới là một cải tiến ấn tượng về mặt kỹ thuật. Tấm nền Tandem OLED do Samsung và LG sản xuất cung cấp độ sáng SDR tối đa là 1000 nit, tăng đáng kể so với độ sáng SDR là 600 nit trên iPad Pro thế hệ thứ 6. Tỷ lệ tương phản cũng tăng gấp đôi, nghĩa là màu trắng sáng hơn và màu đen đậm hơn.

Vậy cơ chế hoạt động của màn hình này như thế nào? Bài thuyết trình của Apple dường như được thực hiện với mục đích giải thích công nghệ theo những thuật ngữ đơn giản nhất có thể nhưng nó hơi gây hiểu lầm. Hình ảnh hai tấm nền OLED xếp chồng lên nhau là không chính xác về mặt kỹ thuật. 

Thay vào đó, lớp OLED truyền thống (bản thân từng diode) đã được thay đổi để tăng số lượng lớp phát quang trong mỗi diode. Kodak đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ tương tự vào năm 2005. 

Điều này làm tăng lượng ánh sáng và màu sắc mà mỗi diode có thể tạo ra. Kết quả giống như việc có hai tấm nền OLED xếp chồng lên nhau nhưng nó vẫn là một tấm nền OLED duy nhất trên bo mạch chứ không phải toàn bộ tấm nền OLED xếp chồng lên một tấm nền OLED khác như nhiều người lầm tưởng.

Việc tăng số lớp phát quang trong từng diode giúp cho màn hình đạt được độ sáng cao mà không cần tăng điện áp lên quá cao, giúp cho tuổi thọ tấm nền dài hơn. Cũng cần nói thêm rằng iPhone và rất nhiều điện thoại Android thậm chí có thể đạt độ sáng cao hơn mà không cần đến Tandem OLED, nhưng điểm khác biệt là màn hình điện thoại nhỏ hơn nhiều so với màn hình iPad.

Khả năng thay thế pin dễ dàng hơn

Lần đầu tiên trên iPad Pro có thể tháo pin ngay sau khi tháo màn hình. Vẫn còn một số ốc vít và giá đỡ nhưng đây là một cải tiến lớn so với iPad thế hệ trước khi tốn một thời gian rất lâu để tháo tung logic board và nhiều thành phần khác để thay thế được pin.

Đây là một điểm cộng lớn vì sau một thời gian sử dụng chắc chắn pin sẽ bị chai dần và nhu cầu thay pin là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Việc thay pin dễ dàng hơn giúp cho việc thực hiện đơn giản hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Càng đáng khen hơn khi iPad Pro M4 13 inch là iPad mỏng nhất của Apple nhưng lại có khả năng thay thế dễ dàng nhất.

Bản thân pin có dung lượng 38.99 Wh, nhỏ hơn một chút so với 40.33 Wh của thế hệ thứ 6. Nó cũng đã chuyển từ pin 4 cell ở thế hệ thứ 6 xuống còn hai pin 19.91 Wh.

Nhưng các thành phần khác không dễ thay thế như vậy

Mặc dù Apple thiết kế để dễ dàng tháo rời và thay thế viên pin nhưng không may những linh kiện khác không đơn giản như vậy. Từ bo mạch chủ cho đến loa và cáp đồng trục, rất nhiều thứ được dán xuống vì không có đủ chỗ cho ốc vít. Điều đó có nghĩa là loa sẽ bị hỏng nếu bạn cố gắng tháo chúng ra, bảng mạch con dễ bị cong, camera dễ bị tổn thương khi cố gắng tháo chúng ra.

Tất cả điều này để giảm độ dày thêm 1.3 mm. Không ai yêu cầu Apple tạo ra một thiết bị mỏng như vậy và nếu Apple không nói rất nhiều về điều này thì sẽ không có ai để ý trừ khi họ cầm cả hai thiết bị trong tay. Nói một cách khác thì thà Apple giữ nguyên độ dày như cũ và làm cho iPad cứng cáp hơn, dễ thay thế sửa chữa hơn còn tốt hơn việc làm quá mỏng như hiện tại.

Logic Board

Nằm chính giữa bo mạch chủ, đúng vị trí của logo Apple là con chip M4 có kích thước lớn. Con chip M4 được tản nhiệt trực tiếp qua logo táo khuyết ở mặt sau thông qua một lớp đồng, Apple cho biết điều này cải thiện tới 20% khả năng tản nhiệt. Và nếu bạn có ý định sử dụng sò lạnh cho iPad thì bạn biết phải đặt vào chỗ nào rồi đấy.

Lưu trữ 

Điều đáng nói là mẫu iPad Pro 13 256GB cơ bản đi kèm với một chip lưu trữ flash NAND duy nhất. Nếu bạn nhớ lại về mẫu MacBook Air M2, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ đọc/ghi của bạn và có bằng chứng cho thấy bản 1TB có tốc độ vượt trội hơn bản 256GB. Đây có lẽ không phải là điều đáng lo ngại vì nó vẫn là iPad. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định làm việc với các file video nặng thì có lẽ nên chọn các phiên bản dung lượng cao hơn.

Apple Pencil Pro

Pencil Pro rất tuyệt vời nhưng nó sẽ hoàn toàn không thể phục hồi khi chai pin. Tất cả là để phục vụ tính thẩm mỹ và kích thước siêu nhỏ gọn của chiếc bút này. Apple Pencil Pro chỉ có thể tháo bỏ bằng biện pháp cực đoan nhất đó là dùng dao cắt bỏ tất cả nhựa và keo để tiếp cận linh kiện bên trong.

Mặc dù hoàn toàn không có khả năng sửa chữa nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng bên trong Pencil Pro là một kỳ quan công nghệ với hàng loạt linh kiện đặt bên trong một chiếc bút. Vị trí cuộn cảm ứng điện từ và nam châm trên Pencil Pro được thiết kế lại để có thể gắn và sạc trên iPad Pro M4 mới vốn có camera đặt theo chiều ngang. Nếu bạn còn nhớ thì iPad Gen 10 đã phải hy sinh cơ chế sạc cảm ứng để có thể gắn camera theo chiều ngang.

Ngoài ra còn có một cảm biến MEMS mới trong chiếc bút này sử dụng con quay hồi chuyển để kích hoạt tính năng mà Apple gọi là tính năng “cuộn”. Pencil Pro cũng có Taptic Engine để phản hồi xúc giác khi sử dụng.

Chi tiết toàn bộ quá trình mổ bụng iPad Pro M4 và Apple Pencil Pro các bạn có thể xem trong video dưới: 

https://www.youtube.com/watch?v=V8oN2CjJeoE

Tạm kết

Như vậy, iPad Pro M4 được thiết kế để việc thay pin có thể diễn ra dễ dàng hơn, tuy nhiên các thành phần khác lại khó khăn hơn rất nhiều. Riêng với Pencil Pro thì khả năng thay thế sửa chữa bằng 0, giống như những mẫu Pencil khác.

Ngoài ra, màn hình Tandem OLED về mặt kỹ thuật không phải là hai tấm nền OLED ép vào với nhau. Nó vẫn là một tấm nền duy nhất nhưng có các diode có nhiều lớp phát quang hơn mang đến độ sáng cao hơn mà không cần tăng điện áp lên quá cao, đảm bảo độ bền cho màn hình. Tất nhiên nó cũng làm cho quá trình sản xuất phức tạp hơn, góp phần tăng giá sản phẩm.

Nguồn: iFixit

Xem thêm:

Đăng ký ngay để nhận các thông tin mới nhất về bộ đôi iPad Pro M4 2024:

[cpsSubscriber id='81802']

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.