Metaverse là gì? Liệu nó có giống những gì chúng ta hay thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng hay không?


Hiện tại, 'metaverse' vẫn là thứ gì đó xa lạ nhưng Meta (công ty mẹ của Facebook), Microsoft và một loạt các công ty khác đang đặt nhưng viên gạch đầu tiên để hiện thực hóa công nghệ này trong tương lai sắp tới.
Metaverse (Vũ trụ ảo) có lẽ là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên Internet trong thời gian gần đây. Nếu đã từng xem qua bộ phim 'Ready Player One: Đấu trường ảo' được phát hành vào năm 2018, hẳn chắc chắn bạn sẽ vô cùng ấn tượng với thế giới ảo OASIS - nơi mọi người có thể khởi tạo nhân vật với cá tính riêng và đắm chìm trong những nhiệm vụ đầy phiêu lưu. Với metaverse, thế giới trong các bộ phim khoa học viễn tưởng giờ đây đã không còn là điều gì đó quá 'điên rồ' nữa.

Trong một động thái mới nhất, đầu tuần vừa trước, Microsoft cho biết họ sẽ mua lại hãng game nổi tiếng ActivisionBlizzard với số tiền khổng lồ lên đến 69 tỷ Đô la (hơn 1.5 triệu tỷ Đồng), công ty cho biết thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch mở rộng lĩnh vực metaverse. Năm ngoái, Facebook cũng đã đổi tên công ty thành Meta, như một cái gật đầu cho tham vọng trở thành mục tiêu chính của mạng xã hội này, sẵn sàng cho thời đại tiếp theo của Internet. Rec Room, một trò chơi theo phong cách xây dựng thế giới hay những cái tên quen thuộc khác như Roblox và Minecraft cũng đều đang tập trung vào các cuộc thảo luận xung quanh khái niệm metaverse.
Metaverse không phải là một ý tưởng quá mới, thuật ngữ này đã lưu hành trong nhiều thập kỷ qua. Thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và điện toán 3D là những khái niệm công nghệ bổ trợ phía sau và dẫn chúng ta đến với metaverse. Sự quan tâm đặc biệt gần đây của giới công nghệ chỉ là đỉnh điểm trong một nỗ lực kéo dài nhiều năm để biến những công nghệ này trở thành hiện thực và khả dụng hơn cho mọi người.

Điều chắc chắn là nếu có nhiều tiền, bất cứ công ty lớn nào cũng sẽ muốn tham gia cuộc chơi này. Ngoài Microsoft và Meta, những cái tên 'sừng sỏ' khác như Qualcomm, Nvidia, Valve, Epic, HTC và Apple đều đang tỏ rõ tham vọng xây dựng những phương thức kết nối trực tuyến mới. Hiện chưa rõ liệu các dự án này sẽ độc lập hay kết nối với nhau, tuy nhiên, điều rõ ràng nhất là bạn sẽ được nghe nhiều hơn các thông tin về metaverse - nơi sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người sinh hoạt trên mạng xã hội trong thời gian tới.
Metaverse là gì?
Không phức tạp như bạn nghĩ, metaverse là một khái niệm khá bình thường. Nó là một sự phát triển tất yếu của Internet, metaverse thường được mô tả như một không gian trực tuyến, nơi mọi người có thể giao lưu, làm việc và giải trí với hiện hữu là một nhân vật ảo. Những không gian ảo này luôn tiếp diễn và mở rộng, chúng sẽ không biến mất khi bạn tạm ngừng sử dụng. Định nghĩa này vẫn còn khá khái quát và chưa rõ ràng nên nhiều người cho rằng metaverse đã và đang tồn tại trong thế giới của các tựa game như Roblox, Minecrafe hay Fornite, nơi cho phép những người chơi giao tiếp với nhau trong môi trường đồ họa 2D. Second Life, một nền tảng mạng xã hội và trò chơi đã tồn tại gần hai thập kỷ cũng là một ví dụ điển hình khi nhắc đến metaverse.

Ông chủ của Facebook - Mark Zuckerberg hay CEO Satya Nadella của Microsoft và nhiều tên tuổi khác đều cho rằng nếu kết hợp một loạt các công nghệ hiện có như thiết bị VR, điện thoại di động, máy tính và máy chủ đám mây sẽ cho con người có những trải nghiệm sâu sắc hơn và nhập vai thực tế hơn. Những con người với tầm nhìn vượt thời đại này đã sớm hình dung ra sự phát triển của thế giới ảo 3D, nơi bạn có thể bước vào với sự hỗ trợ của thiết bị đeo hoặc kính AR. Chưa có gì chắc chắn rằng bạn bắt buộc cần có các thiết bị VR hoặc AR để có thể truy cập metaverse nhưng hiện chúng đang có mối liên quan khá mật thiết với nhau. Rất nhiều khả năng trong năm nay, chúng ta sẽ được thấy các thiết kính VR và thiết bị đeo hỗ trợ thực tế ảo từ Meta, Sony hay Apple cùng những nhà sản xuất khác xuất hiện nhiều hơn.

Về cơ bản, metaverse sẽ là một thế giới ảo song song với cuộc sống đời thực của chúng ta. Các khu dân cư kỹ thuật số, công viên và câu lạc bộ sẽ mọc lên, có thể trong một thế giới ảo duy nhất hoặc trải rộng trên nhiều thế giới. Không ngoài khả năng, metaverse cũng có thể là thế giới thực chúng ta đang sống nhưng được nhìn qua một lớp phủ AR. Theo làn sóng vũ trụ ảo ngày càng nóng hổi, nhiều nhà đầu tư đã vung tiền vào các lô đất trong thế giới ảo. Barbados, một quốc đảo nằm phía tây của Đại Tây Dương, thậm chí nói rằng họ muốn có một đại sứ quan trong metaverse.
Metaverse đến từ đâu?
Nhà văn Neal Stephenson đã đặt ra thuật ngữ này trong Snow Crash, một cuốn tiểu thuyết được phát hành vào năm 1992. Trong đó, nhân vật chính là một tài xế giao bánh pizza dạo chơi trong một thế giới ảo trực tuyến. Ý tưởng này được cập nhật mới mẻ hơn trong Ready Player One, sau đó đã truyền nhiều cảm hứng cho sự ra mắt của kính thực tế ảo Oculus Rift của Facebook.
Bước ra khỏi những cuốn tiểu thuyết, Linden Lab đã tạo ra tựa game Second Life, một thế giới ảo ra mắt vào năm 2003 và thu hút nhiều công ty xe hơi, hãng thu âm và nhà sản xuất máy tính gia tăng sự hiện diện trong thế giới kỹ thuật số. Sau một thời gian được quảng bá rầm rộ, Second Life hiện đã không còn nổi tiếng như trước, tuy nhiên nó vẫn đang hoạt động.

Các trò chơi như Minecraft, Roblox và Fornite cũng được mô tả mang nhiều thiên hướng metaverse. Fornite đã từng tổ chức các buổi hòa nhạc ảo, bao gồm các buổi biểu diễn của rapper Travis Scott và ngôi sao nhạc pop Ariana Grande thu hút được nhiều sự chú ý từ công chúng. Cả ba tựa game đều cho phép người chơi thoải mái sáng tạo trong thế giới ảo, đây là nền tảng cho khái niệm metaverse.
Sẽ như thế nào nếu bạn đang ở trong metaverse?
Với ý tưởng về một metaverse thực thụ mà chúng ta đang hướng đến, bạn sẽ cần một thiết bị đeo để truy cập vào thế giới kỹ thuật số 360° sống động. Bạn sẽ có nhân vật đại diện của riêng mình, có thể thiết kế chúng theo cá tính bản thân và sở hữu các tài sản kỹ thuật số, những vật phẩm này sẽ được lưu lại trên một blockchain. Bạn cũng có thể mua những mảnh đất trong thế giới ảo và xây nhà, nơi bạn có thể mời bạn bè đến và tiệc tùng, giải trí.

Điều đó nghe có vẻ viển vông và vô lý nhưng việc định giá cho các bất động sản kỹ thuật số đã bắt đầu được thực hiện trong thời gian gần đây. Tokens.com, một công ty Canada, đã chi gần 2.5 triệu Đô la cho tài sản ảo ở Decentraland, một nền tảng thế giới ảo 3D được nhận định như hậu duệ của Second Life.

Bạn có thể trải nghiệm ngay metaverse tại thời điểm hiện tại với các phiên bản đơn giản hơn của nó, các tựa game như Roblox và Fornite. Dẫu vậy, những tựa game này vẫn chưa quá hấp dẫn như những gì Mark Zuckerberg nói về metaverse mà ông cùng công ty đang hướng đến. Ít nhất, chúng cũng mang lại một vài trải nghiệm cơ bản mà chúng ta sắp được thử nghiệm trong tương lai.
Cần thiết bị gì để truy cập metaverse?
Vấn đề thiết bị sẽ phụ thuộc vào nơi bạn muốn đến. Hiện Facebook đang chào bán những bộ thiết bị đeo VR Oculus Quest 2 với giá khoảng 300 Đô la (khoảng 6.7 triệu đồng), đổi lại bạn sẽ sở hữu một phần cứng độc lập và không cần PC hoặc các hệ máy console để có thể sử dụng. Ngoài ra, còn có một số nhà sản xuất các thiết bị đeo VR khác như Valve, HTC, HP và Sony, một vài trong số đó có thể hoạt động với PC hoặc các máy PlayStation 4/5. Dự kiến, các nhà sản xuất sẽ tung ra nhiều thiết bị hơn vào cuối năm nay và mở rộng phạm vi kết nối để có thể sử dụng với điện thoại.

Trong khi đó, một số công ty khác như Microsoft và Magic Leap lại chọn hướng đi sản xuất thiết bị đeo AR, trình diễn một lớp đồ họa kỹ thuật số ngay trên thế giới thực, các thiết bị này thường có giá đắt hơn rất nhiều so với kính VR. Qulacomm và các công ty khác cũng đang phát triển các phương pháp để kính AR có thể hoạt động với điện thoại, tiếc rằng hầu hết các nguyên mẫu hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được thương mại rộng rãi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại để truy cập các thế giới ảo trong các tựa game như Roblox và Minecraft. Mặc dù đây chưa phải là một trải nghiệm metaverse 360° trọn vẹn nhưng cũng khá thú vị, minh chứng là sức hấp dẫn không phải bàn cãi của các tựa game này tại thời điểm hiện tại.
Khi nào metaverse sẽ ra mắt?
Gần như chưa một cá nhân hay tổ chức nào có thể đưa ra mốc thời gian cụ thể mà metaverse được phát hành. Và rất có thể đây sẽ không phải là một buổi ra mắt sản phẩm theo nghĩa truyền thống. Meta và các công ty khác có thể sẽ phát hành các sản phẩm VR/AR mới để mang những khái niệm công nghệ này trở nên dễ tiếp cận với nhiều người chơi hơn, đặt nền móng cho vũ trụ ảo trong tương lai.

Mặc dù đã đầu tư khoảng 10 tỷ Đô la cho các dự án metaverse trong năm nay, CEO Facebook - Mark Zuckerberg cho rằng công nghệ cần thiết để xây dựng nên metaverse vẫn còn cách 'một chặng đường dài' và chúng ta cần ít nhất khoảng 5 đến 10 năm tới để các tính năng chính của vũ trụ ảo có thể đi vào hiện thực. Trong khi đó, thông cáo báo chí chính thức từ Meta lại đưa ra con số khoảng 10 đến 15 năm. Điều đó có nghĩa là nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, chúng ta có thể tham gia vào thế giới ảo này vào khoảng từ năm 2026 đến năm 2036.
Tạm kết
Hai năm phải đối chọi với đại dịch Covid vừa qua đã khiến con người quan tâm hơn về khái niệm 'ảo'. Với việc hạn chế ra ngoài đường và giao tiếp xã hội truyền thống, kết nối trực tuyến như 'liều thuốc' cứu cánh cho những ngày dài buồn chán. Tưởng tượng nếu không chỉ chát-chít hay gọi video đơn thuần mà chúng ta còn có thể tương tác, hoạt động và sống một cuộc sống riêng trong thế giới ảo thì còn tuyệt vời đến mức nào. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi trái chiều về vấn đề 'nghiện' mạng xã hội ở giới trẻ nhưng chắc hẳn không ít người sẽ vẫn muốn metaverse trở thành hiện thực. Đây sẽ là bước đột phá, thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta trong tương lai.

Bình luận (0)