Sao không phải là A, B mà phân vùng ổ đĩa chính lại tên là C?


Rõ ràng, sau ổ C nếu có phân thêm thì luôn sẽ là ổ D, E, F,... Vậy tại sao lại bắt đầu bằng chữ C? Sự tò mò đó y hệt như việc tại sao gọi anh Hai là anh Hai thay vì anh Một? Rõ ràng, chữ C không đại diện cho ổ đĩa (C)hính.
Tên phân vùng C được đặt theo như thông lệ xưa Trước cả thời SSD và HDD hay đĩa CD, DVD,... Ổ đĩa mềm đã từng là ông vua trong lĩnh vực lưu trữ trên máy tính, chủ yếu vì giá rất rẻ. Trong khi đó PC thời bấy giờ làm gì được trang bị sẵn ổ cứng như hiện nay, buộc người dùng phải tự mua thêm ổ cứng bên ngoài.Giữa sự lựa chọn giữa ổ cứng đắt đỏ thì đa phần người dùng sẽ đều chọn đĩa mềm (floppy disk) để lắp vào máy, thông thường sẽ có tối ta 2 khe cắm ổ đĩa mềm trên máy tính xưa, một ổ đĩa mềm chứa tầm 1.44 MB, 2 ổ là 2.88 MB, vừa 'đủ xài' cho hệ điều hành MS-DOS phổ biến lúc bấy giờ.
Việc lắp 2 đĩa mềm sẽ dẫn đến công cuộc đặt tên cho nó để phân biệt. Ổ đầu tiên, thường là ổ chính sẽ được đặt tên là drive A, ổ thứ hai nếu được lắp sẽ gọi là drive B. Còn khi nào lắp ổ cứng thì sẽ được đặt nhãn C. Mà thời đó ổ cứng cũng không phổ biến lắm, gần 5000 USD tại thời điểm đó (đến bây giờ chắc khoảng hơn chục nghìn USD) cho một chiếc ổ cứng Morrow Design 26 MB thì thôi đành chơi với đĩa mềm giá 'mềm'.
Đến giờ có lẽ bạn cũng đã ngờ ngợ tại sao lại mang 'mác' ổ đĩa C rồi đúng không? Từ MS-DOS, Microsoft vẫn giữ cách đặt tên tương tự như thế trên Windows 11 mới nhất hiện nay.
Dù ổ mềm cũng đã 'bay màu' khỏi máy tính phổ thông khi dung lượng của chúng còn chưa bằng nổi một tấm ảnh hiện nay, nhưng hãng vẫn để lại cách đặt tên đó. Có lẽ đây là một cách 'tưởng niệm' ổ đĩa mềm, hoặc do chính Microsoft lười đổi tên, hoặc vẫn có rất nhiều cơ quan (điển hình là NASA) vẫn còn tận dụng ổ đĩa mềm cho lý do bảo mật.
Giống với ổ C, ổ D thời 'hồi đó' sẽ chủ yếu dùng để chỉ ổ quang dành cho đọc dữ liệu từ đĩa. Nhưng rồi bạn thấy đó, đĩa giờ đây chỉ còn phổ biến trên các hệ máy console như PS5 và Xbox One, chứ trên máy tính cá nhân thì đã 'tạch' mất rồi.
Tuy nhiên khác với phân vùng A và B khi đã được dùng cho đĩa mềm thì sẽ không bao giờ được đặt lại mặc định thành nhãn hiệu của loại bộ nhớ khác. Ổ D giờ đây sẽ được mặc định là phân vùng ổ cứng phụ, dù hơi thiệt thòi cho đĩa DVD nhưng được cái tiện cho người dùng khi thứ tự vẫn là C, D, E,...
Nếu bạn bị OCD (hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế), muốn mọi thứ hoàn hảo và ổ đĩa đầu tiên bắt buộc phải là ổ A thay vì ổ C như Microsoft muốn. Thì hãy bình tĩnh và làm quen với nó, hoặc bạn sẽ phải hối hận.
Khi đổi tên thứ tự của ổ đĩa, ví dụ C thành A, thì đường dẫn của các chương trình cài lên ổ đĩa đó sẽ bị 'lạc lối', tức nghĩa là không nhận diện được tín hiệu đường dẫn. Ví dụ khi cài đặt, đường dẫn cài lên phần mềm sẽ là C:\Program Files\ khi đổi tên ổ thành A thì đường dẫn này sẽ vô tác dụng, dẫn đến sẽ gặp rất nhiều vấn đề về lỗi phần mềm, thậm chí là lỗi hệ thống nên mình khuyên bạn không nên đổi nhãn hiệu.
Bộ nhớ hiện tại đang được chia thành nhiều thể loại, ổ cứng HDD, ổ SSD, bộ nhớ đám mây, bộ nhớ rời,... Việc đặt tên theo thứ tự trong bối cảnh nhiều thể loại lưu trữ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ có thể làm 'lú' người dùng.
Vậy làm sao để bớt gây rối? Không đặt tên A, B, C, D,... sẽ không gây rối nữa. Thay vào đó là những cái tên mặc định để người dùng có thể tự do thay đổi theo ý muốn. Tương tự như trên MacOS với ổ mặc định tên là Macintosh HD, không có bảng chữ cái thứ tự nào hết. Người dùng đỡ phải thắc mắc, đỡ phải khó chịu đổi nhãn hiệu ổ để rồi dính lỗi.
Câu chuyện đặt tên ổ cứng này tương tự như việc tại sao bàn phím lại là QWERTY thay vì ABCDE. Có những thứ đã vô tình được xem là 'quy tắc' trong việc phát triển công nghệ, và nếu nó không ảnh hưởng gì thì chúng ta vẫn cứ giữ. Phân vùng ổ đĩa C cũng không ngoại lệ, hãng thích giữ C thì cứ giữ thôi.
- Xem thêm các bài viết chuyên mụcKhám phá

Bình luận (0)