Smartphone màn hình gập sẽ tuyệt vời hơn nếu sửa được 7 vấn đề này


Những vấn đề dưới đây đều là những lý do ngăn cản người dùng tiếp cận điện thoại gập, dẫn đến việc sự phát triển của dòng smartphone này bị ảnh hưởng. Hơn thế nữa, tuy vấn đề có lớn, có nhỏ nhưng chỉ cần một chi tiết ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng thì chắc chắn họ sẽ sẵn sàng 'quay xe' từ máy gập sang máy dạng thanh thông thường, nhất là đối với tệp khách hàng doanh nhân, thu nhập cao mà dòng điện thoại gập đang nhắm đến. Hãy cùng điểm qua những phiền phức đáng nói trên điện thoại gập nhé!
Vấn đề muôn thuở: Vết gập
Chắc có lẽ từ khi bạn đọc tiêu đề thì đã biết kiểu nào vết gập trên màn hình smartphone cũng sẽ được đem vào bài. Tuy có một phần đồng quan điểm với một số bạn đọc rằng điện thoại gập thì buộc phải có vết hằn do đóng mở thường xuyên, một quy tắc vật lý bất khả biến. Nhưng nói gì thì nói, quá trình phát triển điện thoại đến nay có thể xem như một phép màu, từ điện thoại to đùng chỉ để nghe gọi cho đến một thiết bị mỏng nhẹ đa dạng cầm trên tay là kết quả của sự nghiên cứu và biến hoá khôn lường đó. Vì thế, có gì vô lý khi người dùng chúng ta không được 'mơ mộng' về việc vết hằn trên màn hình smartphone gập 'bay màu'?
Dù là vấn đề 'đau não', nhưng những vết gập hiện tại vẫn còn rất đáng kể và gây ảnh hưởng đến trải nghiệm vuốt chạm của người dùng, thậm chí ảnh hưởng đến vẻ đẹp của smartphone - yếu tố vốn rất quan trọng trong việc người dùng quyết định mua và giữ máy.
Dẫu có các hãng Trung Quốc như OPPO, Huawei, Honor,... đã và đang bắt tay vào giải quyết vấn đề vết gập bằng nhiều cách, tiêu biểu nhất là OPPO Find N làm mờ vết gập đi đáng kể bằng các tạo ra hai khe gấp làm giảm đáng kể so với smartphone gấp một lần. Cách giải quyết của OPPO khá hay, sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu như có thể chống nước với kiểu gập này. Đây là minh chứng vàng cho việc điện thoại gập hoàn toàn có thể xoá vết gập.
Chống bụi còn kém
Chống nước đã có trên smartphone màn hình gập, thậm chí còn đạt đến chuẩn IP X8 trên các dòng máy Samsung Galaxy Z. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hơn cả chống nước trên smartphone màn hình gập đó là chống bụi. Tại sao ư? Vì bụi có thể được xem như kẻ thù đe doạ đến độ bền của các smartphone màn hình gập, và người dùng hoàn toàn không thể chủ động 'né' được các lỗi do bụi gây ra, trừ khi bỏ máy vào trong lồng kính.

Khác với các tai nạn do nước vốn khá hi hữu và người dùng chúng ta có thể ngăn chặn được nếu không quá xui. Các lỗi gây ra do bụi trên smartphone thì khác, chúng âm thầm và lặng lẽ tạo ảnh hưởng xấu đến smartphone gập của bạn. Đặc biệt trên phần màn hình gập vốn sẽ rất dễ bị trầy xước nếu tiếp xúc với bụi, cáp và các khớp gập cũng dễ bị đe doạ khi gặp bụi. Đã có trường hợp máy không thể nào gập lại được khi sử dụng lâu dài, phần trăm cao là do bụi. Hiện tại Samsung cũng đã có giải pháp trang bị các sợi chổi quét bên trong bản lề để ngăn bụi, nhưng vẫn chưa đạt được chuẩn.
Sự 'kém sang' của vật liệu màn hình gập
Có một sự thật phũ phàng rằng nhìn chất liệu màn hình gập hiện tại trông rất rẻ tiền, kể cả nếu như chúng không có vết hằn. Ai cũng biết rằng hiện nay các chất liệu cấu thành smartphone cao cấp đều sẽ là kính hoặc kim lại, các smartphone gập cũng trang bị bộ vỏ từ hai vật liệu trên, trừ quả màn hình trông nhựa nhựa.
Dẫu biết chất liệu gập làm ra không dễ dàng và chúng cũng được xem làm một dạng kính siêu mỏng, nhưng dựa trên sự phản chiếu của màn hình và độ ọp ẹp khi ấn cùng với miếng dán nhựa phủ lên để bảo vệ, tất cả kết hợp lại tạo ra một cảm giác không sang trọng khi nhìn bởi sự phản chiếu nham nhỏ. Hơn thế nữa cảm giác vuốt chạm cũng bị ảnh hưởng khi màn hình không còn cứng cáp như xưa, từ đó khi vuốt cũng 'rén' hơn. Hãy cùng hi vọng vào những cải tiến của công nghệ kính cho màn hình gập trong tương lai khi Corning Gorilla Glass cũng đang nghiên cứu dòng kính siêu mỏng chất lượng tốt phù hợp cho màn hình gập.
Khả năng tương thích ứng dụng
Phần mềm được xem là yếu tố quan trọng để giữ gìn trải nghiệm lâu dài trên smartphone gập. Các ứng dụng phải tương thích tốt, phải có hỗ trợ chuyển đổi tuần tự giữa các dạng màn hình. Google thậm chí cũng đã mở đường với Android phiên bản L cho màn hình lớn nhưng vẫn cần rất nhiều sự thay đổi từ chính sách của hãng sản xuất cho đến các lập trình viên ứng dụng để đưa ra các phiên bản tương thích nhất cho màn hình gập.

Đây cũng là một phần lý do vì sao nhiều người mong chờ 'tay chơi' Apple tham gia vào cuộc đua smartphone gập, vì chắc chắn hãng sẽ ưu tiên vấn đề trải nghiệm và tương thích. Tạo ra động lực phát triển tương thích giữa hai hệ điều hành để học hỏi lẫn nhau và các lập trình viên cũng hứng thú hơn trong việc tối ưu ứng dụng trên màn hình gấp.
Phân phối còn kém
Dù biết smartphone gập hiện tại đang trên đà phát triển nhanh chóng, nhưng chưa bùng nổ. Dù có nhiều hãng làm smartphone gập nhưng hiện tại dễ tìm và mua nhất vẫn chỉ có Samsung, tiếp theo là Motorola. Các hãng trung như Huawei, OPPO, Honor, Xiaomi,... vẫn còn e dè trong việc đưa các mẫu màn hình gập ra thị trường quốc tế. Có thể nói cuộc chơi điện thoại gập toàn cầu hiện tại vẫn chỉ có Samsung dẫn dắt và phổ biến, còn mấy hãng Trung dù có máy rất ngon nhưng chỉ bán cho nước nhà xài.
Có thể vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và khả năng sản xuất nên smartphone gập của các hãng Trung vẫn chỉ ưu tiên nội địa. Cùng đón xem 'đội quân' smartphone gập từ Trung Hoa càn quét thị trường trong tương lai nhé.
Giá: Còn rất đắt
Smartphone gập hiện tại đang gặp vấn đề về giá để thuyết phục người tiêu dùng mua hàng, đặc biệt là các mẫu gập dọc như Z Fold4, một chiếc điện thoại gập hiện tại có giá bằng cả iPhone 14 và iPad Air cộng lại, khá đắt đối với một dòng điện thoại vẫn chưa được xem là hoàn hảo 100%.
Đơn cử như Samsung Galaxy Z Fold4 có giá từ 36 triệu đồng tại CellphoneS vào ngày 8/11/2022, đắt hơn so với flagship đối thủ iPhone 14 Pro Max hay thậm chí hơn cả chính Samsung S22 Ultra. Tương tự với mẫu Huawei XS có giá lên đến hơn 40 triệu dù là máy Android không được Google hỗ trợ. Chỉ có duy nhất Samsung Galaxy Z Flip 4 có giá dễ chịu từ 20 triệu đồng, cao nhưng vẫn được xem là mức giá xứng đáng với máy.


Vì thế, điều chúng ta mong chờ là cần có nhiều hơn các hãng tập trung vào sản xuất và phân phối điện thoại màn hình gập ở quy mô lớn để nhằm giảm giá thành sản phẩm. Điều này sẽ làm giảm chi phí sản xuất tấm nền cho đến tạo ra sự cạnh tranh của các hãng để tối ưu mức giá tốt hơn.
Cấu hình: Bị cắt giảm không đáng
Dù không quá nổi trội nhưng vấn đề trang bị cấu hình trên smartphone gập vẫn cần nhiều sự cải tiến. Đơn cử như mẫu Z Fold4 được trang bị cho cấu hình khủng, nhưng pin không cao, 4400 mAh cho thời lượng không mấy ấn tượng đối với một máy màn hình gập, mẫu này còn bị cắt đi camera 108MP và camera zoom 10x dù cho đây là mẫu cao cấp nhất của nhà Samsung. Tương tự với Xiaomi Mix Fold 2 cũng đã bị cắt giảm sạc nhanh và chống nước vốn rất cơ bản trên các mẫu smartphone ngày nay.
Tạm kết
Dù vẫn đang rất tiềm năng nhưng những vấn đề trên có thể kiềm hãm được sự phát triển của smartphone gập. Thậm chí, các vấn đề này còn liên quan và ảnh hưởng đến nhau, như giá và vấn đề phân phối sẽ ảnh hưởng lên nhau, giá và cấu hình smartphone, vật liệu kính và vết gập. Đôi khi các nhà sản xuất chỉ cần một giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề, hãy cùng chờ xem trong tương lai nhé!
- Xem thêm bài viết chuyên mụcThị trường

Bình luận (0)