Thử nghiệm một số phần mềm cơ bản trên ASUS Vivobook S 15 2024 chạy Snapdragon X Elite


Được trang bị bộ vi xử lý trí tuệ nhân tạo kiến trúc ARM mới nhất của Qualcomm là Snapdragon X Elite. Mình tự hỏi rằng trải nghiệm ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024 có đủ mượt mà và nhanh chóng với các ứng dụng, phần mềm cơ bản để phục vụ cho công việc hàng ngày?
Trước đó, mình đã có những trải nghiệm ban đầu với chiếc Vivobook AI mới nhất của ASUS chạy Snapdragon X Elite chính hãng đầu tiên tại Việt Nam. Sau một thời gian sử dụng đủ dài để đưa ra nhận xét và đánh giá kỹ hơn, trong bài viết này mời bạn đọc cùng mình trải nghiệm ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024 với những ứng dụng cơ bản cho công việc hàng ngày.

Từ phần mềm cơ bản đến văn phòng
Sẽ thật đáng tiếc nếu Windows 11 chạy ARM không thể sử dụng các phần mềm cơ bản cần thiết trên máy tính, như Unikey và EVKey, vì việc này sẽ khiến việc gõ tiếng Việt trở nên khó khăn. Mặc dù Windows có tích hợp sẵn bộ gõ Telex trong cài đặt bàn phím, nhưng tính năng và trải nghiệm của nó vẫn chưa thể so sánh được với sự thông minh và tiện dụng của Unikey và EVKey.

Sử dụng bộ phần mềm Office 365 "nhà trồng" của Microsoft để mình tiện truy cập mọi thể loại file Word, Excel, Powerpoint cho công việc nhanh chóng và tiện lợi hơn. Nếu bạn là dân văn phòng thường xuyên sử dụng bộ Office, thì những chiếc laptop chạy chip Snapdragon X Elite đã hỗ trợ rất tốt cho nhu cầu của bạn.


Chuyển sang các phần mềm mình sử dụng để tối ưu tốc độ cho luồng công việc mỗi ngày như Notion và Evernote. Các bạn có thể thấy trong hình bên dưới, mình có để khung cửa sổ Task Manager để thấy được Architect (kiến trúc) mà ứng dụng đang chạy hiện hữu sử dụng. Cả Notion và Evernote dù bản chất là x64 cũng chạy rất mượt trên Windows 11 ARM.


Việc meeting hay họp online cũng là một nhu cầu khá quan trọng mà mọi người thường xuyên sử dụng. Hiện tại, Zoom đã có phiên bản ARM dành riêng cho người dùng laptop Copilot+ PC tải về và sử dụng. Mình còn có thể sử dụng công cụ “trang điểm” Windows Studio Effect cùng với Zoom nữa. Mọi thứ rất ổn và mượt mà hoàn hảo.

Ngoài ra, các ứng dụng họp trực tuyến như Google Meet đã được tối ưu hóa cho ARM trên trình duyệt, nên chất lượng không có gì phải bàn cãi. Dù mọi người ít dùng Zalo để gọi video trên laptop, mình vẫn thử trên chiếc laptop này và thật ấn tượng khi Microsoft đã hỗ trợ tốt các phần mềm phổ biến do Việt Nam sản xuất, cho thấy họ rất quan tâm đến nhu cầu của người dùng.
Cần lưu ý các phần mềm Multimedia
Trước hết, cơ bản nhất là Adobe Photoshop và Lightroom, Premier Pro là 3 phần mềm đã được Adobe tối ưu và hỗ trợ chạy rất mượt mà với các hệ điều hành có kiến trúc ARM. Bên cạnh bộ phần mềm Adobe,các anh chị em làm Design, Creator có thể dùng tạm DaVinci Resolve, tương thích gần như tuyệt đối và hoạt động ổn định.
Capcut cũng là một giải pháp thay thế cho Premier khá ổn áp. Tuy nhiên sẽ có một số lưu ý. Mình chỉ có thể tải về và sử dụng phiên bản Capcut trên Microsoft Store. Nhưng khi mở phần mềm, sẽ có một thông báo hiện ra gợi ý nên cập nhật lên phiên bản mới nhất. Đừng dại dột mà bấm cập nhật, vì sau khi cập nhật xong thì cứ khởi chạy phần mềm là bị văng ra liên tục.


Nếu tải về và cài Capcut trên trình duyệt thì lưu ý đây vẫn sẽ là phiên bản nền tảng x64, thì sau khi đăng nhập, bạn cũng sẽ không thể sử dụng vì nó cũng gặp tình trạng tương tự giống như sau khi cập nhật đó là văng ra liên tục. Vì vậy, mình đã sử dụng phiên bản tải về từ Microsoft Store và đăng nhập sử dụng, lưu ý phải bỏ qua cập nhật hiện lên thì mới xài được bình thường.
Đã chỉnh sửa video thì test luôn phần mềm livestream OBS chứ nhỉ? Kết quả mượt, ổn định, không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên mình chỉ test lên khung hình vậy thôi chứ không thường xuyên sử dụng phần mềm này.

Nếu có anh em nào có sở thích chơi game mobile trên máy tính, ví dụ như PUBG Mobile, thì cần phải tải phần mềm Bluestack về để giả lập game. Tuy nhiên, tin buồn là phần mềm Bluestack không tương thích - có lẽ là tạm thời và sẽ được update để chạy được trên Windows 11 ARM của ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024.

Ngay cả phầm mềm thư viện game Xbox Store cũng chưa thể khởi chạy được trên Windows 11 ARM của ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024. Có lẽ Microsoft đã quá tập trung vào phát triển chiếc máy này cho công việc mà bỏ quên khả năng giải trí hay sao?
Phần mềm lưu trữ đám mây: Google chịu thua
Onedrive là phần mềm lưu trữ đám mây mặc định trên Windows thì sẽ không kể đến chuyện tương thích hay không. Bắt buộc là phải tương thích rồi. Các phần mềm lưu trữ phổ biến khác như Dropbox, Synology Drive, hay thậm chí là Fshare, cũng chạy ngon lành, hỗ trợ tốt trên Windows 11 ARM. Nhưng hơi buồn là Drive và Nearby Share của Google lại chịu thua không chạy được.
Trọn bộ phần mềm Apple: Thọt mỗi Apple TV
Chưa có tiền mua MacBook Air, Pro M3 mới nên mình cũng thử bộ phần mềm Apple có chạy được trên Windows 11 ARM của ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024. Chỉ có Apple TV là chưa mở lên coi được, còn lại iCloud Photo, iCloud Drive và Apple Music đều có thể đồng bộ hình ảnh, video và phát nhạc được như những chiếc Ultrabook thông thường.


Tạm kết
Vì lý do mới được sản xuất và ra mắt trong thời gian gần đây, nên Snapdragon X Elite và Windows 11 phiên bản ARM chưa cho phép những nhà phát triển ứng dụng, và cả bản thân Microsoft có đủ thời gian để nghiên cứu và tối ưu hóa các phần mềm cho trải nghiệm sử dụng 100% mượt mà thay vì chỉ 80 - 90% như hiện tại.

Tuy nhiên, theo những gì mình thấy được khi sử dụng trải nghiệm ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024. Hiệu năng và tính thực dụng của nó đủ để đáp ứng cho những đòi hỏi công việc mỗi ngày từ cơ bản đến nâng cao một chút. Chưa kể đến thời lượng pin dài lên đến 12 tiếng để xài hết 1 ngày mà không cần sạc.
Xem thêm: Thử chơi game trên chip Snapdragon X Elite: Auto SR đầy hứa hẹn, cần hỗ trợ nhiều tựa game hơn
Hiện tại, để có được những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ với AI và sức mạnh hiệu năng toàn diện của Snapdragon X Elite. Mời bạn đọc tham khảo thêm thông tin về ASUS Vivobook S 15 OLED AI 2024 cũng như địa chỉ cửa hàng CellphoneS gần nhất để ghé thăm trải nghiệm sớm trong phần bên dưới đây.
[Product_Info id='83094']

Bình luận (0)