Trang chủKhám phá
Tin nhắn SMS đã hơn 30 năm tuổi - Liệu còn sống "dai" hay chết dần như những giao thức cũ khác?
Tin nhắn SMS đã hơn 30 năm tuổi - Liệu còn sống "dai" hay chết dần như những giao thức cũ khác?

Tin nhắn SMS đã hơn 30 năm tuổi - Liệu còn sống "dai" hay chết dần như những giao thức cũ khác?

Tin nhắn SMS đã hơn 30 năm tuổi - Liệu còn sống "dai" hay chết dần như những giao thức cũ khác?

Sforum CTV, Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Sforum CTV
Ngày đăng: 13/12/2022-Cập nhật: 13/12/2022
gg news
Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi chợt nhận ra khái niệm tin nhắn SMS đã 'thọ' lên đến 30 tuổi. Ba thập kỷ kể từ tin nhắn đầu tiên được gửi từ điện thoại di động. Liệu khái niệm tin nhắn SMS thông qua các nhà mạng sẽ dần thất thế, hay vẫn 'sống sờ sờ' mặc cho các phương tiện liên lạc và trao đổi tin nhắn khác phát triển?

'Ông tổ' của các dịch vụ tin nhắn, bước đột phát trong lịch sử giao tiếp của loài người là những mỹ từ có thể dùng để miêu tả phù hợp nhất dành cho dịch vụ tin nhắn SMS. Kể từ kỷ nguyên của SMS, chúng ta đã không còn cần sứ giả truyền tin hay bồ câu đưa thư, hay thậm chí không còn cần máy Enigma truyền tin như thời chiến tranh. Thay vào đó, chỉ cần chiếc điện thoại và mạng di động để truyền đi tin nhắn, thứ phương tiện giúp định hình và thay đổi cuộc sống hiện đại.

SMS - Phương thức thay đổi cách chúng ta liên lạc

Khởi đầu của tin nhắn SMS

Vào ngày 3 năm 1992, Neil Papworth - một kỹ sư 22 tuổi đến từ Anh Quốc đã gửi tin nhắn SMS đầu tiên đến người bạn đại học và đồng thời là nhân viên của Vodafone - Richard Jarvis thông qua một chiếc máy tính, vâng không phải điện thoại mà là một chiếc máy tính sử dụng mạng GSM. Tin nhắn được gửi đến một hệ thống điện thoại bàn 'cầm tay' Orbitel 901 của Jarvis. Đoạn tin đầu tiên có nội dung rất ngắn gọn và phù hợp với không khí vào lúc đăng bài: Merry Christmas.

Tin nhắn SMS đầu tiên thực chất là một đoạn tin thử nghiệm của Neil trong quá trình phát triển hệ thống Dịch vụ tin nhắn ngắn - Short Message Service (SMS) cho khách hàng Vodafone và được gửi thông qua hệ thống mạng GSM của Vodafone tại thời điểm đó. Do đó, có thể nói rằng nhà mạng Vodafone đã góp phần rất lớn trong công cuộc mở ra kỷ nguyên liên lạc mới thông qua việc nhắn tin SMS.

Neil Papworth - Người đầu tiên nhắn SMS

Tại thời điểm đó, không ai và đặc biệt chính người lập trình hệ thống SMS lúc bấy giờ cũng không thể nào tưởng tượng được sự bùng nổ và độ phổ biến của nhắn tin ở hiện tại. Thậm chí, chính Neil còn không biết ông là người đầu tiên gửi tin nhắn SMS cho đến khi con ông khoe điều đó với ông. Chàng kỹ sư năm 22 tuổi lúc đó không hề biết rằng làm tester thôi mà cũng tạo ra khoảnh khắc lịch sử.

Nói sâu hơn về sự phát triển tiếp tục của tin nhắn SMS sau tin nhắn đầu tiên đó. Hệ thống trung tâm tin nhắn thương mại (SMSC) hỗ trợ cho việc trao đổi SMS giữa các nhà mạng được khởi đầu bởi nhà mạng Telia (giờ có tên TeliaSonera) kết hợp cùng Aldiscon, vốn là một phần của Logica - công ty con của CGI, một công ty công nghệ thông tin và liên lạc hàng đầu của Canada. Sau đó, trung tâm tin nhắn SMS tiếp tục được hưởng ứng bởi Fleet Call ( giờ có tên là Nextel) tại Mỹ, tiếp đến là Telenor ở Na Uy và đến lượt BT Cellnet (giờ là O2 UK) tại nước Anh và từ từ lan rộng ra các quốc gia khác sau năm 1993.

Các nhà mạng đã rất nhanh chóng phổ cập SMS

Hệ thống trung tâm tin nhắn được triển khai từ các nhà mạng để bắt đầu hỗ trợ cho quá trình gửi tin nhắn thông báo lên trên điện thoại, bao gồm cả dạng tin nhắn SMS và hộp thư thoại trong máy. Dẫu đã lắp hệ thống trung tâm tin nhắn, nhưng SMS được đưa vào thương mại rộng rãi cho người dùng phổ thông bắt đầu từ nhà mạng Radiolinja tại Phần Lan vào năm 1993.

Tại thời điểm SMS bắt đầu được đưa vào thương mại hoá, các thiết bị di động hỗ trợ mạng GSM vốn không phổ biến, từ đó không có nhiều máy hỗ trợ khả năng gửi tin nhắn SMS. Điều này tương tự như việc 5G chưa vội phổ biến vào thời điểm chúng ra mắt mà phải đợi các thiết bị khác ra mắt như iPhone 12, Samsung Galaxy S21 series,... để bắt đầu được phổ cập.

Tương tự như thế, vào thời sơ khai của SMS, Nokia là một trong những nhà sản xuất tiên phong đem khả năng hỗ trợ SMS lên các sản phẩm điện thoại của họ. Chiếc Nokia 2010 là chiếc điện thoại đầu tiên hỗ trợ khả năng soạn thảo tin và gửi SMS dễ dàng, góp phần định hình cho các dòng điện thoại sau này. Có thể thấy, trước khi trở thành kẻ chậm chạp và già cỗi, Nokia cũng từng là một chú 'ngựa ô' tiên phong trong những lĩnh vực đột phá, tương tự như Apple ngày nay.

Nokia 2010 - Chiếc điện thoại tiên phong SMS

Từ thuở đó, SMS dần phát triển và dần trở thành một khái niệm thay đổi cách con người sinh hoạt và liên lạc. Dần dần được phát triển từ GSM và tương thích dần với 2G, 3G, 4G thậm chí 5G. Tin nhắn SMS hiện giờ vẫn đang 'sống' rất tốt và vẫn còn là một trong những tính năng mặc định quan trọng nhất hiện nay, không có tính năng nhắn tin SMS thậm chí còn không thể được xem là điện thoại di động. Một chiếc điện thoại không thể nhắn tin hoàn toàn bị mất giá so với một chiếc nhắn tin được, không tin thì tham khảo thử iPhone 14 series lock là biết.

Sự đe doạ ngấm ngầm đến SMS

SMS cùng với tính năng gọi điện thoại hiện giờ là hai dịch vụ thông qua sóng vô tuyến cho điện thoại còn tồn tại dai nhất và vẫn chưa bị thay thế bởi các nền tảng hoặc khái niệm khác. Đặc biệt là giữa các ứng dụng OTT hay hệ thống tin nhắn thông minh trong hệ điều hành như RCS, iMessage,..

Các ứng dụng nhắn tin thông qua hệ thống mạng internet đều có các tính năng vượt bậc so với SMS, không chỉ truyền các tin nhắn chữ cơ bản, người dùng còn có thể gửi các dạng đa phương tiện khác nhau như hình ảnh, âm thanh, thậm chí có thêm các tính năng bổ trợ của riêng nền tảng như gửi vị trí, stickers,... rất đa dạng để người dùng lựa chọn. Ở hệ thống SMS còn có loại tin nhắn MMS có thể gửi hình ảnh đa phương tiện tuy nhiên chúng phức tạp và tính phí cao nên cũng không phổ biến mấy.

Có rất nhiều ứng dụng cạnh tranh với SMS

Tiếp đến, các hệ thống gửi tin thông qua mạng internet còn hỗ trợ gửi tin nhắn miễn phí và cho phép nhắn tin nhiều người cùng lúc thay vì nhắn tin cho từng người như bên SMS. Tuy nhiên, nếu vượt bậc như vậy thì có lẽ tin nhắn SMS đã 'lỗi thời' từ lâu rồi. Nhưng không, khái niệm này vẫn sống sờ sờ.

Tin nhắn SMS dù không còn được trọng dụng để trở thành phương thức liên lạc hàng ngày của đa phần người dùng nữa. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là hình thức nhắn tin chính thống bởi yếu tố quan trọng nhất: Độ ổn định và sự chắn chắn.

SMS vẫn có được những ưu điểm không thể nào bỏ qua

Độ ổn định của tin nhắn được đảm bảo thông qua các hệ thống phát sóng điện thoại của nhà mạng, data dữ liệu để sử dụng internet có thể không có hoặc không đăng ký gói dữ liệu thì SMS vẫn hoạt động sẵn sàng để có thể gửi và nhận. Ngoài ra, việc truyền qua trung tâm tin nhắn cũng sẽ chắc chắn tin nhắn được gửi, không phụ thuộc vào việc server của ứng dụng tin nhắn có bị 'đen' bỗng dưng sập nguồn thì tin nhắn gửi cũng không xong.

Về mặt sự chắc chắn, tin nhắn SMS giúp người gửi chắc chắn rằng bên kia sẽ nhận được, mỗi chiếc điện thoại muốn gọi được phải có SIM và số điện thoại, tức nghĩa chắc chắn người sở hữu điện thoại sẽ có thể được liên lạc thông qua tin nhắn SMS. Trong khi đó, nếu liên lạc bằng ứng dụng OTT thì việc gửi tin nhắn cho nhiều người sẽ phụ thuộc vào việc người nhận tin có đang dùng cùng ứng dụng hay không, hay người gửi phải cất công đi tạo tài khoản bên khác, rất lằng nhằng.

SMS đảm bảo khả năng truyền tin

Đặc biệt trong những trường hợp trao đổi thông tin từ nhà nước trong mùa dịch thì việc gửi thông qua SMS cũng đã chứng minh được ưu thế vượt trội của mình. Ngoài ra, SMS còn tạo điều kiện cho người dùng điện thoại có thể đăng ký dịch vụ, đóng góp vào các quỹ chỉ thông qua cách soạn tin, không cần phải chuyển tiền cho phức tạp.

Với những lợi thế trên, đặc biệt là khi nhắc đến sự ổn định thì SMS chắc chắn vẫn còn trụ vững và không thể bị đá động bởi bất kỳ phương thức liên lạc nào. Trừ khi Apple chịu chơi tin nhắn RCS với Android, nhưng điều này vốn rất khó để xảy ra bởi chúng đe doạ đến iMessage.

Tạm kết

Tin nhắn SMS đã đạt đến ngưỡng cửa U40 nhưng vẫn chưa hề có những dấu hiệu nào cho thấy phương thức liên lạc này chết dần. SMS đã có vị thế của riêng nó ở trong từng chiếc smartphone chúng ta đang sở hữu. Cảm ơn Neil Papworth và các nhà mạng đã cùng nhau góp phần mở ra kỷ nguyên của việc nhắn tin thường nhật, nếu không giờ này có lẽ chúng ta còn phải gửi mail để 'thả thính' rồi.

danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Trang tin công nghệ Sforum.vn được thành lập từ năm 2012, đến nay đã hơn 10 năm tuổi. Chúng tôi vẫn không luôn ngừng đổi mới và thử nghiệm các chuyên mục, nội dung mới để phục vụ bạn đọc. Hi vọng các thông tin công nghệ, game hay mẹo vặt từ Sforum sẽ giúp ích được cho bạn đọc trong đời sống cũng như có những phút giây giải trí lành mạnh.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo