Một thời bá chủ thiên hạ, nay Nokia lại phải "nương tựa" Apple


Khác xưa, với vị thế khủng và độ phổ biến rất rộng của các sản phẩm Nokia đã tạo nên 'làn sóng' sản xuất phụ kiện bên thứ ba dành cho các dòng máy Nokia, phổ biến nhất là các củ sạc chân kim, các vỏ điện thoại nhiều màu sắc để thay thế hoặc quen thuộc nhất là mẫu pin BL 5C vốn được trang bị mặc định trên rất nhiều điện thoại Nokia. Thời thế đổi thay, giờ đây Nokia phải đóng vai bên thứ ba sản xuất phụ kiện cho dòng máy đã đả bại mình - iPhone.
Thật không có gì đáng nói nếu trước đây Nokia không sản xuất phụ kiện
Thực tế, sẽ không có gì đáng nói nếu một hãng nào đó bán phụ kiện cho hãng điện thoại khác, chẳng hạn như Xiaomi vẫn làm cáp Lightning dành cho iPhone đấy thôi. Nhưng khác ở chỗ, Xiaomi lấy thương hiệu ZMI để làm cáp, sạc cho iPhone chứ không hề lấy đích danh thương hiệu, còn Nokia thì lấy luôn thương hiệu của mình để làm phụ kiện đạt chuẩn MFi của đối thủ.
Vậy tại sao Xiaomi không làm phụ kiện dưới cái tên của hãng mình mà phải dùng đến thương hiệu con? Trong khi đó chính Xiaomi cũng ra mắt nhiều phụ kiện như cáp, sạc,... dành cho các dòng máy khác. Câu trả lời nằm ở chuẩn MFi và vị thế độc quyền của Apple. Nếu Xiaomi dùng chính thương hiệu của họ để sản xuất cáp cho iPhone và bỏ chi phí để đạt chuẩn MFi, thì giá trị thương hiệu của Xiaomi sẽ nằm ở mức hãng sản xuất phụ kiện cho iPhone, vốn sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm về sau của hãng.
Đơn giản chỉ là đối thủ muốn 'ngang hàng' nhau, đặc biệt các sản phẩm flagship của Xiaomi muốn cùng phân khúc với iPhone của Apple thì không có lý do gì Xiaomi phải sản xuất phụ kiện dành riêng cho iPhone, làm như thế sẽ vô tình mở rộng thêm độ đa dạng trong hệ sinh thái phụ kiện, và ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng về độ chênh lệch của thương hiệu. Muốn sản xuất phụ kiện và thu lời từ đối thủ thì dùng hãng con ZMI, vừa tránh ảnh hưởng thương hiệu lại vừa phát triển thêm một thương hiệu phụ kiện để sinh lời, nước đi rất hay đến từ Xiaomi.
Riêng Nokia thì khác, hiện tại Nokia đang gặp khó khi HMD chưa làm tốt trong việc phát triển trong thị trường điện thoại, và đồng thời Nokia cũng đã không còn mặn mà lắm với những dòng flagship. Có thể thấy rõ thông qua chiến lược tung sản phẩm của hãng, chủ yếu xoay quanh các smartphone giá rẻ đến tầm trung và các dòng điện thoại phổ thông. Do đó, yếu tố về cấp bậc thương hiệu và giá trị thương hiệu cũng đã được định rõ giữa Nokia và Apple. Một bên chỉ làm máy trung cao đến cao cấp, còn một bên thì giá rẻ với tầm trung, 'kèo lệch'.
Bởi vì định vị thương hiệu khác phân khúc nên Nokia đã 'can đảm' lấy chính tên thương hiệu của mình để đăng ký chuẩn Apple MFi cho các phụ kiện dành cho iPhone, iPad,... Vốn chắc chắc sẽ không ảnh hưởng đến hình ảnh hay vị thế của Nokia bởi hãng đã định vị thấp sẵn rồi.
Tuy nhiên, điều này sẽ gây cản trở rất lớn nếu Nokia có ý định quay lại làm sản phẩm cao cấp, vì trong tiềm thức của người dùng, thương hiệu Nokia sẽ nằm ở phân khúc giá tốt, thậm chí sản xuất phụ kiện cho cả Apple. Nếu muốn quay lại sân chơi tầm cao thì có lẽ Nokia sẽ cần những chiến dịch truyền thông thực sự hiệu quả.
Thậm chí Qualcomm, Samsung cũng có mối quan hệ 'yêu, ghét' với Apple
Có lẽ bạn cũng đã biết, Samsung và Qualcomm ngoài mặt thì đấm đá với Apple nhưng bên trong lại là mối quan hệ hợp tác, cung cấp linh kiện cho chính Apple làm thiết bị, Samsung tiêu biểu nhất vẫn là các tấm panel màn hình còn Qualcomm thì cung cấp chip 5G cho thiết bị của Apple.
Vậy tại sao Samsung, Qualcomm làm đồ cho Apple thì không ảnh hưởng đến thương hiệu còn Nokia thì có? Chủ yếu là do Samsung, Qualcomm hay thậm chí Intel sản xuất những linh kiện quan trọng cấu thành nên một chiếc iPhone, iPad. Nếu thiếu các hãng này cung cấp, hoặc là iPhone sẽ tăng giá rất cao do đầu vào linh kiện ít, hoặc là các tính năng quan trọng của iPhone sẽ bị hạn chế như màn Super Retina, 5G,... Mối quan hệ của Apple với Qualcomm, Samsung là cộng sinh để cả hai cùng có lợi. Nhưng của Nokia thì không.
Việc sản xuất phụ kiện như cáp, sạc của Nokia không gây ảnh hưởng gì đến sự phát triển của các thiết bị Apple mà thậm chí Nokia còn đang kiếm được giá trị từ việc đó. Đây là mối quan hệ thương trường một chiều, Nokia có lợi nhiều từ Apple thông qua việc làm phụ kiện đạt chuẩn MFi, kết hợp cùng với mác Nokia càng tăng thêm tỷ lệ bán hàng của sản phẩm. Còn Apple thì được lợi thu được từ chuẩn MFi, vốn thực chất không có Nokia thì 'chợ vẫn đông'.
Tạm kết
Quả thật ở thời hưng thịnh của Nokia không ai nghĩ hãng sẽ làm phụ kiện riêng cho một đối thủ nào. Nhưng hiện tại Nokia đã thay đổi mình, thay đổi phân khúc sản phẩm để tiếp cận tệp người dùng phổ thông hơn. Do đó, việc sản xuất sạc cáp sẽ không gây ảnh hưởng gì cho thương hiệu, nếu có thì cũng chỉ là sự bất ngờ và có phần tiếc dành cho 'ông vua' điện thoại một thời mà thôi.
- Xem thêm các bài viết chuyên mụcThị trường

Bình luận (0)