Trải nghiệm bàn phím custom ASUS ROG Azoth: Sẵn bộ lube, màn hình OLED, gõ ổn, đắt xắt ra miếng


Tuy nhiên chiếc bàn phím ROG Azoth này lại sử dụng mạch ngược sẽ gây ít nhiều trở ngại cho những ai muốn sử dụng Cherry Profile và mức giá lên đến khoảng 7 triệu đồng chắc chắn sẽ khiến sản phẩm trở nên khó tiếp cận đến game thủ.
Thông số kỹ thuật ASUS ROG Azoth
Chúng ta cùng điểm nhanh qua một số thông tin cơ bản về chiếc bàn phím này.
- Kết nối: USB 2.0 (TypeC to TypeA)/Bluetooth 5.1/RF 2.4GHz
- Đèn nền: RGB Per keys, đồng bộ với AURA Sync
- Phím Macro: Tất cả phím đều có thể tùy chỉnh
- Polling rate (USB và RF 2.4GHz): 1000 Hz
- Cáp: USB type A to C 2m
- Tương thích: Windows và macOS
- Phần mềm tùy biến: Armoury Crate
- Kích thước: 326 x 136 x 40 mm, 1186g
Mở hộp sản phẩm
Bên ngoài vỏ hộp ASUS ROG Azoth được in khá đầy đủ các thông tin quan trọng về chiếc bàn phím này.



Bên trong chúng ta có sách hướng dẫn sử dụng, logo ROG và rất nhiều phụ kiện khác phục vụ cho việc custom bàn phím.









Ngoài ra trong hộp ASUS còn cẩn thận trang bị cho bạn một cục chuyển USB-C - USB-A 2 đầu cái, tác dụng của nó là dùng để mang cục receiver lại gần bàn phím giúp giảm độ trễ. Với những bạn sử dụng laptop chắc sẽ không cần nhưng với những bộ máy bàn có thùng máy nằm dưới gầm bàn, người dùng có thể cắp cáp đi kèm với máy xuống thùng máy, phía trên sử dụng cục chuyển rồi gắn receiver vào đó.
ASUS cho biết hãng sử dụng công nghệ SpeedNova cho độ trễ cực thấp hoàn toàn phù hợp để chơi game, trong thực tế sử dụng mình hoạt toàn không phân biệt được với kết nối dây. Trong trường hợp bạn có một bộ máy bàn, một laptop gaming, một MacBook hoàn toàn có thể sử dụng dây với máy bàn, sử dụng đầu thu RF 2.4GHz với laptop gaming và Bluetooth với MacBook, việc chuyển đổi giữa các thiết bị chỉ cần một nút gạt khá tiện lợi.




Mình có tháo thử một phím thì quá trình thực hiện khá đơn giản mặc dù trước đó chưa có kinh nghiệm chơi phím custom. Vì vậy theo mình nghĩ đây có lẽ là một chiếc bàn phím khá hợp lý cho những bạn mới nghiên cứu bộ môn này chưa biết bắt đầu từ đâu. Một vài hình ảnh mình tháo tung một phím:






Ngoài ra, ASUS cũng làm hẳn một video chính chủ hướng dẫn cách lube switch cho bàn phím ROG Azoth:
https://www.youtube.com/watch?v=fa7kb3LJb_k
Trên tay và trải nghiệm bàn phím
Quay trở lại với nhân vật chính của chúng ta là chiếc bàn phím ROG Azoth. Về mặt thiết kế, ROG Azoth có bộ khung bằng nhựa, mặt trên được ốp kim loại cho tổng thể khá chắc chắn, cứng cáp.

Đặc biệt ASUS cho biết họ lót tới 3 lớp foam giúp cảm giác gõ đầy đặn hơn, giảm thiểu âm thanh vọng bên trong bàn phím.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, với mức giá gần 7 triệu đồng cho một chiếc bàn phím chỉ có top kim loại chắc chắn khiến nhiều game thủ phải suy ngẫm. Mà chưa kể trọng lượng phím cũng không nhẹ, ~1.2kg nên việc mang theo cũng không thực sự lý tưởng.





Phía sau bàn phím là nơi trang bị cổng USB-C vừa dùng để sạc, vừa có thể dùng để kết nối trực tiếp với máy tính. Bên cạnh đó là nút gạt chuyển đổi giữa ba chế độ và nơi để receiver. Khe cất đầu thu RF có từ tính giúp việc giữ receiver chắc chắn, tránh rơi rớt trong quá trình di chuyển.



Một điểm khá đặc biệt nữa đến từ ROG Azoth là phần màn hình OLED có thể tùy biến và tùy chỉnh trực tiếp nhiều thứ như độ sáng đèn nền bàn phím, chế độ LED, âm lượng, độ sáng của chính màn hình OLED. Việc điều chỉnh khá đơn giản, bạn chỉ cần ấn vào nút tròn ở cạnh bên để chuyển đến phần muốn chỉnh (âm lượng/độ sáng...) rồi gạt nút ở ngay cạnh màn hình.






Trên Windows, bạn còn có thể tải Armoury Crate để tùy biến nội dung xuất hiện trên màn hình OLED. Mặc định thì phần này sẽ hiển thị logo ROG, mình đã chuyển nó thành chữ 'Sforum' như hình.

Armoury Crate là một ứng dụng giúp tùy biến rất nhiều thứ cho ROG Azoth, từ việc tùy chỉnh đền nền cực kỳ chi tiết, tùy chỉnh màn hình OLED, gán macro cho mọi phím trên bàn phím. Tuy nhiên theo mình đánh giá giao diện chưa thực sự thân thiện.







Nói thêm một chút về vấn đề mạch ngược trên ROG Azoth, ưu điểm của loại mạch này là đèn LED nằm trên tạo ra hiệu ứng xuyên LED cho keycap PBT doubleshot đẹp hơn. Tuy nhiên khi sử dụng Cherry Profile thì có thể sẽ cấn nhẹ, với những người mới bắt đầu thì có thể không cần quá bận tâm nhưng thực sự đến tầm gần 7 triệu cho một chiếc phím cơ đây lại là điều làm nhiều bạn lấn cấn.

Về trải nghiệm gõ phím, chiếc bàn phím mình đang có ở đây sử dụng switch ROG NX Red, đây là loại switch tuyến tính không có khấc xúc giác và không tạo ra tiếng clicky. Trải nghiệm gõ mình đánh giá ở mức khá, cảm giác gõ mượt mà, các phím có stab cho trải nghiệm khá ngon. Tuy nhiên bề mặt keycap lại hơi trơn đối với mình.

Âm thanh của bàn phím rất gọn gàng nhờ được lót nhiều lớp foam. Bạn có thể nghe tiếng gõ phím của ROG Azoth ở bên dưới:
https://youtu.be/UlGq1P_h33E
Tạm kết
Nhìn chung, ROG Azoth là một chiếc bàn phím ổn, đầy đủ phụ kiện, hỗ trợ custom, có thương hiệu, dễ dàng đồng bộ với hệ sinh thái ASUS, hỗ trợ đa nền tảng, nhiều phương thức kết nối. Tuy nhiên vẫn còn một vài vấn đề mà có lẽ nhiều game thủ sẽ đắn đo như bộ khung vẫn bằng nhựa, mạch ngược và mức giá khá cao dự kiến lên tới gần 7 triệu đồng.

Bình luận (0)