Trang chủĐánh giáĐồ chơi công nghệ
Trải nghiệm thực tế TP-Link Archer AX10: Router Wi-Fi 6 nhiều chức năng, tạm biệt dead zone WiFi trong căn nhà
Trải nghiệm thực tế TP-Link Archer AX10: Router Wi-Fi 6 nhiều chức năng, tạm biệt dead zone WiFi trong căn nhà

Trải nghiệm thực tế TP-Link Archer AX10: Router Wi-Fi 6 nhiều chức năng, tạm biệt dead zone WiFi trong căn nhà

Trải nghiệm thực tế TP-Link Archer AX10: Router Wi-Fi 6 nhiều chức năng, tạm biệt dead zone WiFi trong căn nhà

Tiz , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Tiz
Ngày đăng: 13/01/2023-Cập nhật: 05/11/2024
gg news
TP-Link Archer AX10 là một chiếc Router Wi-Fi 6 AX1500 có mức giá cực kỳ hợp lý chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng sở hữu hàng loạt các tính năng đáng chú ý, tốc độ cao, độ trễ thấp rất đáng để đầu tư.Gọi TP-Link Archer AX10 là Router Wi-Fi 6 AX1500 bởi tổng băng thông mà chiếc router cung cấp là 1500Mbps (1201 Mbps trên băng tần 5 GHz 802.11ax và 300 Mbps trên băng tần 2.4 GHz 802.11n). Trong bài viết này hãy cùng Sforum tìm hiểu kỹ hơn về sản phẩm này và những tính năng chiếc router này cung cấp nhé.

Mở hộp trên tay nhanh

TP-Link Archer AX10 được đóng hộp đơn giản giống hầu hết mọi chiếc router Wi-Fi khác trên thị trường. Trên hộp sản phẩm in khá đầy đủ các thông tin cơ bản mà hầu hết người dùng quan tâm.Bên trong hộp chúng ta sẽ có nhân vật chính là một chiếc TP-Link Archer AX10, một adapter 12W, 1 dây mạng và sách hướng dẫn sử dụng. Điểm cộng của TP-Link là sách hướng dẫn sử dụng thường có tiếng Việt.

Về thiết kế, TP-Link Archer AX10 có ngoại hình khá truyền thống với 4 anten hiệu suất cao. Sản phẩm cũng được trang bị công nghệ Beamforming giúp tập trung cường độ tín hiệu không dây về phía máy khách để mở rộng phạm vi Wi-Fi, mình sẽ có thử nghiệm thực tế ở phần sau.

Phía sau router bao gồm 1 x Cổng WAN Gigabit, 4 x Cổng LAN Gigabit, nút nguồn, bật tắt LED, nút WPS/Wi-Fi và nút Reset.

Thiết lập và một số tính năng đáng chú ý

Việc thiết lập TP-Link Archer AX10 cực kỳ đơn giản, chỉ cần cắm bộ nguồn, kết nối router với modem của nhà mạng rồi đợi cho thiết bị khởi động xong. Sau đó bạn chỉ cần dùng điện thoại, máy tính hoặc máy tính bảng kết nối với Wi-Fi, tên và mật khẩu mặc định được dán ở phía dưới router.Khi vừa kết nối thì router sẽ chưa có internet ngay, bạn cần truy cập 192.168.0.1 hoặc tplinkwifi.net để thiếp lập lại tên, mật khẩu… Giao diện rất dễ sử dụng, chỉ cần làm theo các bước hướng dẫn là xong. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng Tether để thiết lập bằng giao diện tiếng Việt, tuy nhiên bạn nên tải ứng dụng trước khi bắt đầu setup bởi như đã nói ở trên khi vừa kết nối với router thì chưa có internet.

TP-Link Archer AX10 là router Wi-Fi hai băng tần, mặc định hai băng tần sẽ chung ID và mật khẩu, tuy nhiên bạn cũng có thể đổi ID, mật khẩu riêng từng băng tần. Giải thích thêm một chút, với 5GHz tốc độ đạt mức lý tưởng nhất, độ trễ thấp, tuy nhiên khả năng phủ sóng, xuyên tường và vật cản lại không tốt bằng băng tần 2.4GHz. Nếu đặt cùng ID thì thiết bị sẽ tự chọn băng tần phù hợp mà không phải đổi thủ công, tính năng này thì đã có trên hầu hết các router thời gian gần đây.

Về tính năng, giống như bộ Wi-Fi Mesh TP-Link Deco S7 mình đã có một bài trải nghiệm gần đây, TP-Link Archer AX10 cũng sở hữu các tính năng quản lý thiết bị kết nối, chặn MAC, nhận thông báo khi có thiết bị mới kết nối vào hệ thống, chia sẻ QR Code để kết nối Wi-Fi nhanh chóng, quản lý phụ huynh, lên lịch và rất nhiều tính năng hữu ích khác có thể dễ dàng thiết lập ngay trên ứng dụng, ai cũng có có thể thiết lập mà không cần các kiến thức về mạng.

Ngoài ra, Archer AX10 còn hỗ trợ OneMesh. Tính năng này hoạt động khá đơn giản, thay vì bạn phải mua một bộ Mesh mới thì chỉ cần mua các thiết bị mở rộng kiểu như TP-Link RE505X AX1500 là có thể tạo thành một hệ thống Mesh. Với tính năng này bạn có thể dễ dàng mở rộng hệ thống Mesh mà không cần chi quá nhiều tiền trong một lần. Khi nhu cầu tăng bạn chỉ cần mua thêm một thiết bị mở rộng phù hợp để mở rộng độ phủ, tăng tốc độ cũng như giảm độ trễ ở mọi ngóc ngách trong nhà.

Thử nghiệm tốc độ thực tế

Với băng thông ~1200Mbps trên băng tần 5GHz, thực tế thì chưa có gói Internet gia đình nào ở Việt Nam tận dụng được hết băng thông này. Gói mình đang sử dụng tại nhà của Viettel có băng thông ~300Mbps/150Mbps (download/upload). Sử dụng Speedtest.net đo tốc độ tại vị trí đặt modem/router của nhà mạng đồng thời cũng là vị trí đặt TP-Link Archer AX10 thì độ trễ và tốc độ khá tương đồng mặc dù modem/router của Viettel cung cấp chỉ là Wi-Fi 5.

Test ở hai vị trí khác nhau, một là ở cạnh router, một là ở phòng khác cách 2 bức tường

Tuy nhiên khi mình di chuyển sang một căn phòng khác cách 2 bức tường kể từ vị trí đặt modem, độ trễ của router Viettel tăng lên khoảng 50%, tốc độ cũng giảm khoảng 30 - 40% tuy nhiên mình rất bất ngờ khi tốc độ Wi-Fi từ TP-Link Archer AX10 không suy giảm và độ trễ vẫn giữ được ở mức 5 - 6ms.

Đó là trường hợp chỉ thử nghiệm với một thiết bị duy nhất, khi dùng nhiều thiết bị đồng thời thì TP-Link Archer AX10 sẽ tỏ ra vượt trội đáng kể nhờ công nghệ Wi-Fi 6.

Thứ giúp cho Wi-Fi 6 khác biệt với Wi-Fi 5 nằm ở công nghệ OFDMA (Orthogonal Frequency Division Multiple Access - Đa truy cập phân chia tần số trực giao). Hiểu đơn giản thì với công nghệ này router có thể gửi và nhận dữ liệu từ nhiều thiết bị trong cùng một thời điểm. Đối với Wi-Fi 5, router chỉ gửi/nhận với 1 thiết bị tại 1 thời điểm và cứ thế luân phiên nhau, càng nhiều thiết bị trong hệ thống thì độ trễ càng cao và tốc độ giảm đi rõ rệt.

Dưới đây là biểu đồ thể hiện sự tương quan giữa số lượng thiết bị kết nối và tổng thông lượng của Wi-Fi 5 và Wi-Fi 6.

Bên cạnh đó thì Archer AX10 còn được trang bị một CPU 3 nhân 1.5 GHz, trong khi đó hầu hết Router 2×2 AC truyền thống thường chỉ dùng CPU 1 - 2 nhân <1GHz. Với bộ xử lý mạnh mẽ hơn, router có thể xử lý được lượng dữ liệu rất lớn đồng thời giúp giảm độ trễ, tăng độ ổn định cho mạng Wi-Fi.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, những ưu điểm của Wi-Fi 6 chỉ thực sự rõ rệt khi có rất nhiều (10 thiết bị sử dụng đồng thời), hoặc khi chơi các tựa game online đòi hỏi độ trễ thấp mới thấy sự khác biệt. Còn nếu chỉ dùng để lướt web, nghe nhạc, làm việc online thì sự khác biệt về trải nghiệm là không quá rõ ràng để nhận ra.

Kết lại

Với mức giá chỉ hơn 1 triệu đồng, những gì TP-Link Archer AX10 mang lại rất đáng để đầu tư. Đối với một căn nhà 1 - 2 tầng hoặc một căn hộ chung cư chỉ cần một chiếc router TP-Link Archer AX10 là đã khá ổn để phủ sóng tất cả các khu vực. Khi cần người dùng dễ dàng nâng cấp thành hệ thống Mesh mà không cần mua thêm một bộ Mesh riêng giúp tiết kiệm chi phí về sau.

Ngoài ra, thiết bị còn rất nhiều tính năng quản lý hệ thống, quản lý phụ huynh đặc biệt hữu ích với gia đình có con nhỏ đang tìm tòi thế giới. Tuy nhiên như đã nói ở trên, nếu gia đình ít thiết bị sử dụng Internet, bạn không chơi hoặc ít chơi các tựa game mang tính đối kháng cao thì có thể TP-Link Archer AX10 không thực sự tạo ra khác biệt quá lớn nếu router nhà mạng cung cấp đủ tốt.


[Product_Info id='25594']
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo