Trí tuệ nhân tạo (AI) trên smartphone: Tiến bộ công nghệ hữu ích hay đơn giả chỉ là trào lưu?
An Đông Nghệ
Ngày đăng: 22/02/2019-Cập nhật: 23/02/2019

Trí tuệ nhân tạo là một trong những đề tài hot nhất trong làng công nghệ thời gian gần đây. Nhưng cho đến thời điểm này tính hữu dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trên smartphone vẫn đang còn là một dấu hỏi lớn.
Ngày nay, AI đã xuất hiện và len lỏi trong hầu hết các ngành công nghiệp, trong đó nổi cộm là thị trường di động. Các dòng smartphone hiện nay đang được trang bị rất nhiều tính năng thú vị được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, có thể kể tới như Google Translate, các trợ lí ảo như Google Assistant, Siri, Bixby,... Người dùng có thể ra lệnh cho smartphone để phục vụ các nhu cầu của mình như báo thức, tìm kiếm địa điểm, nhân diện giọng nói,... Bên cạnh đó, công nghệ AI còn giúp cải thiện đáng kể khả năng chụp hình của điện thoại, xử lý hình ảnh, tiết kiệm điện năng, nâng cao bảo mật,…
Ngoài việc được tích hợp vào phần mềm, trí tuệ nhân tạo còn “xâm chiếm” cả phần cứng trong smartphone mà tiêu biểu là các vi xử lí. Thật vậy, hầu hết các vi xử lí hiện nay đều được tích hợp các khả năng AI để có thể xử lí các thuật toán phức tạp, tăng cường hiệu năng, khả năng chụp ảnh, xử lí đồ họa cũng như mang lại nhiều tính năng độc đáo trên điện thoại.Các con chip được trang bị AI phổ biến trên thị trường hiện là bộ đôi A11 Bionic và A12 Bionic của Apple, Kirin 980 của Huawei, Snapdragon 845 và mới nhất là Snapdragon 855 của Qualcomm, tạo điều kiện cho người dùng được trải nghiệm các tính năng vô cùng mới lạ và hấp dẫn.
Đơn cử là chiếc iPhone X được trang bị chipset A11 Bionic có 2 lõi để xử lý các tác vụ AI. Trong khi đó, người anh em của A11 Bionic, A12 có tới 8 nhân phụ trách các tác vụ AI, có thể xử lý 5 nghìn tỷ phép tính mỗi giây, thay vì chỉ là 600 tỷ so với AI Engine trên A11. Ngoài ra, Qualcomm cũng là một trong những nhà sản xuất chip chú trọng vào trí tuệ nhân tạo, với Snapdragon 855, hãng đã giới thiệu công cụ AI thế hệ 4, kết hợp với lõi đồ họa Adeno, Kyro và Hexagon để cung cấp năng lượng cho các tác vụ AI. Nhờ vậy mà hiệu năng AI sẽ tăng gấp 3 lần so với thế hệ tiền nhiệm. Bên cạnh đó, bộ xử lý Hexagon cho công cụ AI còn có thể cắt giảm tiếng ồn trong những cuộc gọi video bằng cách sử dụng thuật toán giảm tiếng ồn thời gian thực.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là việc hàng loạt các nhà sản xuất đổ xô chạy theo AI là vì lợi ích của người dùng hay chỉ là trào lưu? Có thể thấy, không chỉ các thiết bị cao cấp mà hàng loạt các sản phẩm tầm trung và giá rẻ cũng được tích hợp những con chip AI. Tuy nhiên liệu các nhà sản xuất có đủ nghiêm túc trong việc tận dụng hết sức mạnh AI lên các thiết bị của mình? Các công nghệ AI trên dòng smartphone tầm trung ASUS ZenFone 5Z như AI Boost (tự tăng tối đa hiệu năng khi chơi game), AI Display (luôn mở màn hình khi nhìn vào và tự động điều chỉnh màu theo nhiệt độ môi trường) chưa thực sự thông dụng và không được nhiều người quan tâm, hiệu quả mà các công nghệ này mang lại cũng không quá đáng kể.
Không chỉ ASUS, các công ty khác cũng mang nhiều tính năng AI lên sản phẩm của mình nhưng cũng chỉ để 'cho có' nhằm mục đích quảng cáo và cạnh tranh với các hãng khác, từ AI đang bị lạm dụng, lợi ích thực sự của trí tuệ nhân tạo vẫn chưa được phát huy đúng lúc và đúng chỗ.Bên cạnh đó, các trợ lí ảo từ các hãng như Apple, Google, Samsung qua nhiều năm vẫn chưa có nhiều đột phá trong tính năng cũng như chưa thực sự chính xác và còn nhiều lỗi trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, các camera được tích hợp AI cũng hoạt động không chính xác khi cho ra ảnh có màu sắc 'ảo', thậm chí là nhận diện sai đối tượng.
Hãy lấy một ví dụ về một chiếc smartphone tầm trung được trang bị camera AI, Nokia 8.1. Thiết bị này được tích hợp mộttính năng mới với tên gọi Scene Detection (Nhận diện môi trường thông minh), hoạt động dựa trên thuật toán A.I qua đó có thể tự nhận biết được khung cảnh người dùng sẽ chụp và đưa ra tùy chỉnh cân bằng trắng phù hợp. Tuy nhiên trong trường hợp như ảnh trên, tính năng nàynhận diện môi trường sai dẫn đến kết quả bức ảnh ám màu rất khó chịu.
Sự ra đời và bùng nổ của trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp di động
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính được ra đời với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người như khả năng tự học tập, suy nghĩ và phục vụ con người,….. Đây là một trong những phát minh mang tính cách mạng trong giới công nghệ, giúp kéo theo hàng loạt các tiến bộ kỹ thuật khác, đồng thời mở ra một kỷ nguyên công nghệ mới cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực.


AI: Tiến bộ công nghệ hữu ích hay chỉ là trào lưu?
Không thể phủ nhận rằng trí tuệ nhân tạo đang nắm giữ một vai trò lớn trong ngành công nghiệp smartphone và mang lại nhiều tiện ích ý nghĩa cho người dùng. AI đã góp phần cải tiến khả năng xử lý âm thanh trên điện thoại, tăng cường khả năng nhận diện hình ảnh và giọng nói, đồng thời có thể dự đoán hoạt động người dùng, dịch ngôn ngữ, tăng tốc khả năng tìm kiếm. Về khả năng chụp ảnh, camera AI sẽ có thể giúp ảnh đẹp hơn, tự động tăng độ bão hòa, tự động nhận diện cảnh và chuyển đổi các chế độ phù hợp khi nhận ra vật thể,... Những tiện ích này sẽ giúp người dùng tiết kiệm được thời gian và có những trải nghiệm thú vị nhất trên điện thoại.


Tạm kết
Nhìn chung, trí tuệ nhân tạo đang đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển của ngành công nghiệp smartphone. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thể tiếp cận đại đa số người dùng, tuy nhiên tương lai của công nghệ này đang rộng mở và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Với bạn, AI có vai trò như thế nào trong cuộc sống, bạn thường sử dụng AI trong những việc gì, hãy cùng chia sẻ ý kiến cùng mình trong phần bình luận dưới bài viết này nhé.
(0 lượt đánh giá - 5/5)
Bình luận (0)