Microsoft Copilot+ PC có chìm vào lãng quên như Intel Evo, AMD Advantage?


Microsoft đã giới thiệu Copilot+ PC như một tiêu chuẩn mới về laptop AI mang đến trải nghiệm vượt trội nhưng liệu đây có phải là một cuộc cách mạng thực sự hay chỉ là một cách marketing khác, giống như Intel Evo và AMD Advantage trước đó?
Hiện chúng ta chưa thể nói trước điều gì nhưng khi xem xét kỹ dễ thấy có những điểm chung nhất định giữa các tiêu chuẩn này.
Copilot+ PC là gì?
Copilot+ PC là một khái niệm mới của Microsoft đề cập đến một hệ sinh thái kết hợp phần cứng, phần mềm và trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại trải nghiệm người dùng vượt trội trên Windows 11. Copilot+ PC bao gồm:
- Phần cứng mạnh mẽ: Copilot+ PC được trang bị bộ xử lý thần kinh (NPU) chuyên dụng, có khả năng thực hiện hàng chục nghìn tỷ phép tính mỗi giây, giúp tăng tốc các tác vụ AI và mang lại hiệu suất vượt trội.
- Trải nghiệm AI toàn diện: Copilot, trợ lý AI tích hợp sẵn trên Copilot+ PC có thể thực hiện nhiều tác vụ phức tạp như tóm tắt văn bản, tạo nội dung, dịch thuật, viết code, hỗ trợ sáng tạo và nhiều hơn thế nữa.
- Tính năng độc quyền: Các tính năng độc quyền như Recall (xem lại hành động trên PC), Cocreator (tạo và chỉnh sửa hình ảnh AI theo thời gian thực), Live Captions (dịch âm thanh trực tiếp) và nhiều tính năng khác giúp nâng cao hiệu suất làm việc và trải nghiệm giải trí.

Để được công nhận là Copilot+ PC, một máy tính phải đáp ứng các tiêu chuẩn phần cứng tối thiểu do Microsoft đưa ra, bao gồm:
- Sức mạnh xử lý AI ít nhất 40 TOPS (tính riêng cho NPU)
- Tối thiểu 256GB SSD
- Tối thiểu 16GB RAM
- Thời lượng pin tối thiểu 15 giờ (lướt web) đối với máy tính chip ARM

Microsoft Copilot+ PC được hứa hẹn sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho máy tính cá nhân, nơi AI đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Xem thêm: Những điều cần biết về Microsoft Copilot+ PC, chuẩn mới cho laptop AI trong tương lai
Nhắc lại về Intel Evo
Intel Evo được chính thức giới thiệu vào năm 2020 cùng với bộ xử lý thế hệ 11. Nó xuất hiện giữa bối cảnh AMD đã gây sức ép mạnh mẽ trên thị trường CPU máy tính để bàn và đe dọa Intel cả trên thị trường laptop.

Intel Evo là một bộ tiêu chuẩn chứng nhận do Intel đặt ra cho các dòng laptop mỏng nhẹ, cao cấp, nhằm đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt nhất về hiệu năng, thời lượng pin, khả năng kết nối và thiết kế. Các laptop đạt chứng nhận Intel Evo phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về phần cứng và phần mềm, bao gồm:
- Hiệu năng: Sử dụng bộ vi xử lý Intel Core thế hệ mới nhất, đồ họa tích hợp Intel Iris Xe, RAM dung lượng lớn và ổ cứng SSD tốc độ cao.
- Thời lượng pin: Đạt thời lượng pin thực tế tối thiểu 9 tiếng khi sử dụng các tác vụ thông thường như duyệt web, xem video, làm việc văn phòng.
- Khả năng kết nối: Hỗ trợ Wi-Fi 6 và Thunderbolt 4 để đảm bảo kết nối nhanh chóng và ổn định.
- Thiết kế: Mỏng nhẹ, thời trang, màn hình độ phân giải cao, âm thanh chất lượng tốt.
Buồn cười thay hầu hết laptop Intel chỉ trụ được 6 - 8 tiếng trong điều kiện sử dụng thực tế chứ hiếm có chiếc laptop nào đạt được 9 tiếng như tiêu chuẩn. Ngoài ra, các bộ xử lý AMD thậm chí còn tối ưu năng lượng hiệu quả hơn rất nhiều, GPU tích hợp mạnh mẽ hơn, USB 4 cũng có thể thay thế được Thunderbolt 4.

Vậy câu hỏi đặt ra là Intel Evo ra thời có thực sự thúc đẩy sự phát triển của ngành hay chỉ là một hình thức marketing khiến người dùng tin rằng laptop đạt Intel Evo thì sẽ tốt hơn laptop chip AMD?
Còn AMD Advantage thì sao?
Intel có Intel Evo dành cho laptop mỏng nhẹ thì AMD cũng không chịu ngồi yên khi giới thiệu AMD Advantage, một bộ tiêu chuẩn dành cho laptop gaming. Mục tiêu của AMD Advantage là mang lại trải nghiệm chơi game và làm việc tốt nhất cho người dùng bằng cách tối ưu hóa phần cứng và phần mềm.

Các sản phẩm đạt chứng nhận AMD Advantage phải đáp ứng các yêu cầu về hiệu năng, thời lượng pin, khả năng hiển thị và âm thanh. Cụ thể:
- Hiệu năng: Sử dụng bộ vi xử lý Ryzen 5000 series trở lên và GPU Radeon RX 6000 series trở lên, hỗ trợ các công nghệ Smart Access Memory (SAM), SmartShift và SmartAccess Graphics (tức phải có CPU + GPU AMD)
- Thời lượng pin: Đạt thời lượng pin tối thiểu 10 tiếng khi phát video liên tục.
- Khả năng hiển thị: Màn hình có độ phân giải cao, tần số quét cao, hỗ trợ công nghệ FreeSync Premium.
- Hoạt động mát mẻ: Nhiệt độ bề mặt chiếu kê tay tối đa chỉ 40°C, mặt đáy tối đa chỉ 52°C.
Về lý thuyết thì những lợi ích người dùng nhận được có vẻ lý tưởng nhưng thực tế thì phũ phàng, AMD Advantage cũng có thể coi là một thuật ngữ truyền thông không hơn không kém. Vì sao ư, GPU AMD chưa bao giờ được đánh giá cao bằng NVIDIA. Đồng ý là CPU AMD mạnh mẽ, mát mẻ, có nhiều ưu điểm so với Intel nhưng một chiếc laptop có cả CPU + GPU AMD thì chắc chắn không thể cho trải nghiệm gaming tốt như sử dụng CPU AMD + GPU NVIDIA.

Nếu bạn để ý thì trên thị trường cũng không có quá nhiều laptop đạt chuẩn AMD Advantage và hầu hết thì đều “flop” hoặc bán rẻ xả hàng.
Những điểm tương đồng đáng lo ngại
Có một số điểm tương đồng đáng lo ngại giữa Copilot+ PC và các tiêu chuẩn chứng nhận trước đây của Intel và AMD.
Tiêu chuẩn mơ hồ
Cả ba đều là những tiêu chuẩn do các hãng đặt ra phục vụ mục đích riêng của mình và những tiêu chuẩn đặt ra có thể nói là khá chung chung. Người dùng khó hiểu Copilot+ PC thực sự mang lại lợi ích gì so với máy tính thông thường.
Tương tự, Intel Evo và AMD Advantage cũng không có những tiêu chí rõ ràng, khiến người dùng khó đánh giá hiệu năng, trải nghiệm thực tế của các sản phẩm đạt chứng nhận.

Marketing hơn là giá trị thực
Cả ba đều tập trung vào quảng bá thương hiệu hơn là mang lại những cải tiến đột phá. Copilot+ PC được giới thiệu với nhiều tính năng AI hấp dẫn, nhưng liệu chúng có thực sự hữu ích và đáng giá hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Intel Evo và AMD Advantage cũng từng được quảng cáo rầm rộ, nhưng cuối cùng lại không tạo ra sự khác biệt đáng kể so với các sản phẩm khác trên thị trường.
Thiếu sự khác biệt
Các sản phẩm đạt chứng nhận Copilot+ PC, Intel Evo và AMD Advantage thường không có sự khác biệt đáng kể so với các sản phẩm không đạt chứng nhận.

Ví dụ cụ thể hơn nhé, laptop sử dụng GPU NVIDIA RTX có năng lực xử lý các tác vụ AI vượt xa NPU tích hợp trên chip nhưng không được sử dụng các tính năng AI. Vậy Microsoft có thực sự muốn thúc đẩy trải nghiệm người dùng trên Windows hay chỉ muốn thúc đẩy doanh số bán hàng cho các sản phẩm mới?
Xem thêm: Copilot+ PC có thể sẽ thất bại vì Microsoft đang bỏ qua hàng triệu người dùng Windows
Những điểm khác biệt tạo nên hy vọng
Mặc dù Copilot+ PC có khá nhiều điểm giống với Intel Evo và AMD Advantage nhưng vẫn có một số điểm khác biệt mà chúng ta có thể hy vọng là Microsoft có thể làm gì đó khác biệt hơn:
Copilot+ PC kết hợp phần cứng và phần mềm: Trong khi Intel Evo và AMD Advantage tập trung vào phần cứng để bán sản phẩm của mình thì Copilot+ PC bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm. Thời gian đầu phần cứng độc quyền cho Qualcomm nhưng sau đó mở ra cho cả Intel và AMD, NVIDIA cũng có thể được hưởng lợi trong hệ sinh thái Copilot+ PC. Điều đó có nghĩa là Copilot+ PC mang đến lợi ích cho nhiều bên, kết hợp được cả phần cứng lẫn phần mềm để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng - ít nhất trên lý thuyết thì là như vậy.

Tiềm năng của AI: AI đang là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng thay đổi cách chúng ta làm việc và giải trí. Nếu Microsoft khai thác được tiềm năng này, Copilot+ PC có thể mang lại những trải nghiệm mới mẻ và đột phá cho người dùng.
Một số yếu tố quyết định thành bại của Copilot+ PC
Sự thành công hay thất bại của Copilot+ PC phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Yếu tố đầu tiên phải kể đến là việc Microsoft có thể phát triển Copilot thành một trợ lý AI thực sự hữu ích và thông minh hay không và các tính năng trên Copilot+ PC có thực sự thay đổi được cách mọi người sử dụng, làm việc, học tập trên máy tính hay không. Copilot cần phải làm được nhiều hơn là chỉ trả lời các câu hỏi đơn giản hay thực hiện các tác vụ cơ bản. Các tính năng AI cần phải thực sự hữu ích chứ không chỉ là tạo ra mấy thứ vui vẻ trải nghiệm một lần rồi thôi.

Yếu tố tiếp theo là các tiếp cận người dùng. Sự thành bại của Copilot+ PC phụ thuộc vào việc người dùng có chấp nhận và sử dụng các tính năng AI như một công cụ hỗ trợ hàng ngày hay không. Nếu người dùng thấy hữu ích và dễ sử dụng, họ sẽ sẵn sàng trả thêm tiền cho một chiếc máy tính Copilot+ PC. Tuy nhiên những vấn đề đã xảy ra với Recall - tính năng có thể coi là nổi bật và thú vị nhất trên Copilot+ PC đã ăn rất nhiều gạch đá và phải trì hoãn khiến niềm tin người dùng ít nhiều bị lung lay.

Cuối cùng, Copilot+ PC muốn thành công cần có sự tham gia của các công ty công nghệ khác bao gồm Qualcomm, AMD, Intel, có thể là cả NVIDIA cùng tất cả các nhà sản xuất máy tính như HP, Dell, Lenovo, ASUS, Acer. Nếu các nhà sản xuất chỉ coi Copilot+ PC là một mác chứng nhận để bán sản phẩm đắt hơn, dễ bán hơn, thì nó có thể sẽ không phát huy hết tiềm năng của mình để rồi lại chìm vào quên lãng giống như Intel Evo và AMD Advantage.
Tạm kết
Microsoft Copilot+ PC có tiềm năng trở thành một bước tiến lớn trong việc tích hợp AI vào trải nghiệm máy tính cá nhân. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ của Intel Evo và AMD Advantage, Microsoft cần phải tập trung vào việc phát triển các tính năng AI để chúng thực sự hữu ích và an toàn.
Đồng thời Microsoft cần hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất chip và PC để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Chỉ có như vậy, Copilot+ PC mới có thể trở thành một tiêu chuẩn chứng nhận thực sự có ý nghĩa và được người dùng đón nhận.
Xem thêm:
- Recall trên Copilot+ PC: Bom tấn hay tiếp tục là một quả bom xịt khác của Microsoft?
- Xem thêm bài viết chuyên mục Thị trường
Tham khảo ngay các mẫu laptop AI đang có mặt tại CellphoneS để trải nghiệm các tính năng độc đáo thú vị nhất:
[Product_Listing categoryid="2197" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/laptop/ai.html" title="Danh sách Laptop AI đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS"]

Bình luận (0)