Đối với Apple, mang độ phân giải 2K lên iPhone chưa thực sự cần thiết, tại sao vậy?


Thật ra từ trước đến nay Apple đã không tham gia vào các cuộc đua độ phân giải màn hình. Ở thời các smartphone xài Full HD thì iPhone vẫn cứ đều đều HD+, mãi cho đến dòng Plus xuất hiện với Full HD thì các hãng Android đã bắt đầu nhảy sang 2K với LG G3 là máy dẫn đầu. Cho đến hiện tại dù chuẩn 2K, 4K xuất hiện nhan nhản thì Apple vẫn 'bình chân như vại'.

Có lẽ đối với Apple, màn hình không nhất thiết phải đạt đúng chuẩn độ phân giải Full HD, 2K, 4K,... Nhà sản xuất này chỉ quan tâm đến màn hình của máy đã đạt đến mức mật độ điểm ảnh (PPI) của các thiết bị đã đạt đến chuẩn riêng của mình hay chưa, trong trường hợp này là Retina và Super Retina.
Thực tế, màn hình 2K trên smartphone 'hơi' thừa thải
Ở mặt thực tế, các dòng iPhone hiện tại của Apple đều đạt đến mức 'tiệm cận' 2K, như chiếc iPhone 13 Pro Max với độ phân giải 2778 x 1284 pixels , thấp hơn so với mức 2K 3216 x 1440 pixels thông thường trên smartphone không quá nhiều. Nếu nhìn bằng mắt thường thì không thể phân biệt được bên nào 'rỗ' hơn bên nào.
Có lẽ bạn cũng đã biết để so về độ đẹp của một chiếc màn hình, độ phân giải chỉ đóng một phần vai trò. Để một chiếc màn hình trở nên đẹp mắt, cần có yếu tố như độ bão hoà màu, độ bao phủ màu (DCI-P3, sRGB,...), ngoài ra còn dựa vào cách nhà sản xuất tối ưu thông số màn hình. Đó là lí do vì sao có một số trường hợp màn hình 'HD+' trên iPhone 11 lại trông đẹp hơn màn hình Full HD ở một số máy Android tầm trung, vì Apple đã tối ưu phần màu sắc cho máy khá tốt. Rỗ hơn không có nghĩa là màn hình sẽ xấu hơn, độ phân giải cao nhưng không chắc sẽ trông đẹp.

Sức mạnh của thương hiệu - 'Hai ka' sao chơi lại Retina?
Thật ra, đối với kích thước thông thường của màn hình smartphone hiện tại (loanh quanh 6 inch). Thì việc độ phân giải từ 'mém' 2K hay 2K cũng không mang lại sự khác biệt rõ rệt. 2K, 2K+ hay 4K dù gì cũng mang mục đích quảng bá, thu hút người người mua.
Trong chiến lược xây dựng thương hiệu và sản phẩm, màn hình 2K trên smartphone được xem là Competitive Point of Parity (Điểm ngang bằng cạnh trạnh). Điều này dùng để chỉ một tính năng đặc biệt của sản phẩm này được đem lên sản phẩm khác để tránh sự thua kém trong mắt người tiêu dùng. Các hãng Android đã bắt đầu đua nhau mang màn hình 2K lên smartphone của họ kể từ năm 2014 (năm LG G3 ra mắt) để nhằm biến màn hình 2K trở thành một tính năng cạnh tranh không độc quyền, miễn flagship là có chứ không phải chỉ duy nhất một nhà sản xuất làm được.

Trong khi màn hình 2K 'rầm rộ' và phổ biến vào năm 2014 thì chuẩn định nghĩa 'Retina Display' đã được Apple 'lăng xê' từ năm 2010 với chiếc iPhone 4. Vốn được Apple định nghĩa là chuẩn màn hình đảm bảo mật độ điểm ảnh mà mắt thường không nhìn thấy được (khoảng 300 PPI trở lên đối với điện thoại). Có thể thấy chuẩn này vốn dĩ không hề đề cập đến độ phân giải mà thay vào đó là mật độ điểm ảnh. Như vậy thì miễn trên 300 PPI thì Apple đã liệt vào chuẩn Retina của riêng hãng, không cần phải theo bất cứ quy chuẩn độ phân giải Full HD, 2K nào.
Ngay cả iPhone 6 Plus hay 6s Plus có màn hình dù đúng chuẩn độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixels nhưng Apple khi ghi cấu hình lại không hề đề cập đến, thay vào đó hãng chỉ ghi là màn hình Retina HD. Dựa vào đây có thể thấy, Apple không hề quan tâm đến giá trị của độ phân giải màn hình trên các thiết bị iPhone của mình. Đó là lí do vì sao các số điểm ảnh trên iPhone rất 'lẻ', như iPhone 13 Pro Max có độ phân giải 2778 x 1284 pixels hay iPhone 13 với 2532 x 1170 pixels , không theo bất kỳ mức quy chuẩn nào, vì hãng có quan tâm đến quy chuẩn đâu mà theo?
Ngoài ra, để bắt kịp với xu hướng màn hình smartphone ngày càng nét và nhiều công nghệ hơn. Apple đã biến thể hoá chuẩn Retina nhằm làm nổi bật hơn từng loại công nghệ trên thiết bị của mình. Cụ thể, Apple đã chia ra các màn loại màn hình như sau: Retina HD display trên màn hình iPhone có nút home từ iPhone đến iPhone SE 2022; Liquid Retina (XDR) display trên màn hình vô cực nhưng sử dụng tấm nền LCD trên iPhone 11, XR, iPad Pro 11 inch, iPad Air 5 hay trên các mẫu sử dụng màn hình mini-LED như mẫu iPad Pro M1 12.9 inch sẽ có hậu tố XDR; màn hình Super Retina HD/XDR cho các mẫu sử dụng tấm nền OLED như iPhone 13 Pro, iPhone 13 Pro Max.
Có thể thấy, Apple đã phân chia rất nhiều phiên bản Retina cho các sản phẩm từ iPhone, iPad cho đến MacBook. Chuẩn Retina cũng đã được Apple quảng bá từ lâu và góp phần làm tách biệt các sản phẩm của hãng với các nhà sản xuất smartphone khác. 'Gà nhà' Retina nổi như thế thì sao lại phải dùng 'gà công nghiệp' Full HD, 2K, 2K+ hay Full HD?
Apple - Ông trùm đặt tên
Apple có thể không sáng tạo nhiều trong công nghệ trên smartphone, nhưng chắc chắn họ là 'trùm' trong lĩnh vực đặt tên sản phẩm và biến những công nghệ đại trà trở thành một tính năng gì đó 'đặc biệt'. Như đã nói ở trên, màn hình trên 300 PPI ai cũng làm được thì lại đưa cái tên Retina cho đặc biệt, màn OLED thì nhét thêm yếu tố Super Retina.
Ngoài ra còn có công nghệ ProMotion nhằm chỉ các màn hình có khả năng tự động chỉnh tần số quét, vốn là màn hình LTPO có trên các máy Android. Hay nổi bật nhất là thuật ngữ 'Airdrop' được Apple đặt tên dựa trên công nghệ 'bắn' Bluetooth kết hợp với Wi-Fi, nay đã được sử dụng rất rộng rãi ở các người dùng sử dụng thiết bị Apple.
Đối với lượng tên công nghệ và sản phẩm dồi dào như thế, Apple đã tạo nên một thế giới riêng cho mình, không còn cạnh tranh trực tiếp về mặt công nghệ với các đối thủ nữa. Bởi vì hãng đã có những thước đo riêng, những công nghệ chung nhưng được đặt tên riêng, dù cho đối thủ có đưa ra thông số thế nào đi chăng nữa thì cũng khác so với Apple.
Đối với người dùng thông thường, 10 smartphone có LTPO sẽ giống nhau và 1 chiếc iPhone với Pro-Motion sẽ nằm ngoài sự so sánh đó. Hay một người không hiểu rõ về mặt kính smartphone sẽ thấy 10 chiếc smartphone với Gorrilla Victus sẽ không đặc biệt bằng iPhone với công nghệ Ceramic Shield. Việc Apple tạo ra một 'thế giới' riêng cho mình đã giúp hãng trở thành 'cừu đen' trong thế giới smartphone vốn đã đang bão hoà và có nhiều điểm chung về công nghệ.

Không khó để đoán rằng, nếu sau này Apple có làm smartphone màn hình gập thì chắc chắn công nghệ màn hình đó sẽ đi kèm với một cái tên nào đó để 'khác biệt hoá' iPhone gập với những chiếc Android gập ngoài kia.
- Xem thêm: Xem bóng đá mà toàn thấy “ba mắt”, người Việt chuộng iPhone số 2 thì không ai dám nhận số 1
Tạm kết
Đối với Apple, chuẩn 2K hay bất kỳ chuẩn màn hình đại trà nào khác trên iPhone, thậm chí trên iPad là những thứ không cần thiết. Bởi vì độ phân giải chỉ thể hiện được số pixel có trên màn hình, chúng không mang lại nhiều giá trị khi đã đạt đến một mức độ nhất định trên một chiếc màn hình. Hãng đã có chuẩn Retina được đăng ký riêng cho mình, vừa tạo được sự khác biệt với các nhà sản xuất khác, vừa đem lại giá trị tốt hơn cho người dùng.
[Product_Listing categoryid='132' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/mobile/apple.html' title='Các dòng iPhone đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']
Bình luận (0)