Sẽ thế nếu những chiếc điện thoại giá rẻ và tầm trung đều không kèm củ sạc trong hộp?


Gần đây, Google cũng đã xác nhận rằng flagship Pixel 6 sắp tới của họ cũng sẽ không bán kèm bộ sạc trong hộp.
Các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang có xu hướng dần loại bỏ các bộ sạc khi bán ra thiết bị của họ. Rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho điều này nhưng dường như nó không được nhiều khách hàng chấp nhận. Hãy cùng chúng tôi phân tích thêm về vấn đề này nhé!
Kẻ tạo ra phong trào
Cái tên phải nhắc đến ở đây không ai khác chính là Apple, thương hiệu này đã bắt đầu loại bỏ củ sạc khỏi hộp sản phẩm kể từ dòng iPhone 12, họ thậm chí còn bỏ luôn cả tai nghe có dây và chỉ giữ lại một dây cáp USB-C to Lightning bên trong. Điều này đã gây ra vô vàn tranh cãi trong giới công nghệ cũng như người dùng tại thời điểm đó.
Để lý giải cho điều này, Apple nhấn mạnh mục đích 'bảo vệ môi trường' của họ, nhà 'táo' cho rằng người dùng đã có quá nhiều củ sạc từ các đời iPhone trước và có thể tận dụng khi mua máy mới, vậy nên việc bỏ củ sạc ở các thế hệ iPhone mới sẽ góp phần giảm lượng rác điện tử thải ra môi trường mỗi năm. Để củng cố cho điều này, Apple cho biết theo thống kê của họ, đã có 700 triệu tai nghe Lightning và 2 tỷ bộ sạc trên toàn thế giới tính đến thời điểm ra mắt iPhone 12. Công ty cũng nói rằng họ sẽ có thể giảm đáng kể lượng khí thải carbon bằng cách không phải sản xuất phụ kiện này ngay từ đầu, ngoài ra còn giảm kích thước hộp vận chuyển của mỗi chiếc iPhone được bán ra.
Theo báo cáo từ Apple, việc loại bỏ củ sạc trên iPhone đã giúp công ty tiết kiệm được 861.000 tấn đồng, thiếc và kẽm. Ngoài ra, hộp đựng nhỏ hơn cũng dẫn đến giao hàng hiệu quả hơn, các kiện hàng giờ đây có thể đóng gói được số hộp iPhone 12 nhiều hơn 70% so với trước đây. Bên cạnh đó, Apple còn giảm lượng rác thải CO2 từ 25,1 triệu tấn trong năm 2019 xuống còn 22,6 triệu tấn vào năm 2020, tương đương với 450,000 xe ô tô lưu thông trên đường mỗi năm.
Nghe có vẻ rất hợp lý và nhân văn, tuy nhiên có lẽ đây không phải mục đích duy nhất của nhà 'táo' khi thực hiện điều này. Dòng iPhone 12 hỗ trợ sạc nhanh 20W công nghệ Power Delivery và tất nhiên nó kèm một dây cáp USB-C to Lighting, tuy nhiên nếu bạn sử dụng các thế hệ cũ hơn dòng iPhone 11, củ sạc 5W với cổng ra USB-A sẽ không thể dùng chung với dây cáp này, bạn cần phải mua thêm củ sạc mới nếu không muốn sống chung với tốc độ sạc như 'rùa bò' của bộ sạc cũ 5W.
Nếu bạn đã mua iPhone 12 và chưa từng dùng iPhone trước đây, bạn có thể phải mua thêm cáp chuẩn USB-A to Lightning để có thể truyền dữ liệu với máy tính (nếu máy tính không có sẵn cổng Type-C). Và tất nhiên, Apple bán các phụ kiện này không hề rẻ, củ sạc nhanh 20W chính hãng có giá niêm yết lên đến 790 ngàn đồng, tương tự với dây cáp là 590 ngàn đồng.
Có vẻ ngoài việc 'bảo vệ môi trường' thì điều này còn giúp Apple bán được nhiều phụ kiện hơn. Đây không phải lần đầu, trước đó Apple cũng từng một lần gây xôn xao cộng đồng yêu công nghệ khi bỏ đi jack tai nghe 3.5mm kể từ mẫu iPhone 7/7 Plus, bỏ ngoài tai những than phiền của khách hàng về các bất tiện khi thiếu jack tai nghe, doanh thu tai nghe không dây Airpods của họ đạt mức kỷ lục.
Hơn thế nữa, thậm chí dòng iPhone 12 vẫn có mức giá tương tự như 11 series sau khi đã bỏ củ sạc và tai nghe (tất nhiên bạn sẽ có thêm kết nối 5G), tương tự với đợt hàng mới được Apple vận chuyển đến các nhà phân phối, các mẫu iPhone cũ như 11, XR, SE 2020 cũng đã bị lược bỏ củ sạc, tuy nhiên mức giá vẫn giữ nguyên. Nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm phụ kiện còn giúp Apple tiết kiệm vài đô la trên một đơn vị sản phẩm, từ đó có thể bù đắp chi phí đắt đỏ của modem mạng 5G trên iPhone mới.
Nhưng bất kể động cơ của Apple là gì, động thái này thực tế vẫn giúp giảm thiểu lượng rác thải điện tử hằng năm. Hầu hết các nước đều không phản đối hành động này của Apple, ngoại trừ một số thị trường như Pháp - yêu cầu điện thoại phải có tai nghe, hay Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng thành phố São Paulo của Brazil đã từng phạt Apple 2 triệu USD vì bán iPhone 12 không củ sạc, họ cho rằng các lý do bảo vệ môi trường mà Apple đưa ra là thiếu thuyết phục.
Cần phải nói thêm rằng, Apple không hẳn là hãng đầu tiên bỏ củ sạc. Thương hiệu đầu tiên từng làm điều đó là Motorola vào năm 2013 khi họ bán ra chiếc Moto G thế hệ đầu tiên. Và thẳng thắn hơn Apple rất nhiều, hãng này đã tuyên bố rằng họ làm vậy để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, tại thời điểm đó họ chưa tạo được nhiều ảnh hưởng như 'táo khuyết'.
Chung quy lại, với việc Apple độc quyền iOS và thương hiệu iPhone quá lớn, nhiều khách hàng vẫn phải 'cắn răng cắn lợi' chấp nhận mua điện thoại không kèm củ sạc và tai nghe và phải mất thêm một khoản không ít để mua thêm các phụ kiện này.
Kẻ theo chân
Nếu dùng từ 'học theo' có lẽ là hơi tiêu cực đối với các nhà sản xuất Android. Tôi chắc hẳn nhiều thương hiệu đã nghĩ đến việc loại bỏ phụ kiện để cắt giảm chi phí và giúp gia tăng lợi nhuận cho sản phẩm của mình, tuy nhiên họ chưa làm như vậy vì những vẫn còn những rủi rỏ phản ứng không tốt từ khách hàng. Họ cần một thương hiệu với tiềm lực mạnh mẽ hơn để phát động điều này và Apple chính là người được 'chọn mặt gửi vàng', tương tự như khi Apple quyết định bỏ jack tai nghe 3.5mm và các hãng Android cũng đã làm theo.
Theo chân Apple, Xiaomi là hãng smartphone tiếp theo chính thức thông báo loại bỏ củ sạc trên flagship Mi 11 của họ, tất nhiên là cũng với lý do 'bảo vệ môi trường' như trên. Tuy nhiên, cách làm của Xiaomi đảm bảo quyền lợi của người dùng tốt hơn Apple khi cho họ lựa chọn giữa phiên bản bỏ củ sạc và phiên bản tặng kèm miễn phí củ sạc nhanh GaN 55W với mức giá bán ra là như nhau. Mặt trái của sự phóng khoáng từ Xiaomi đó là thật khó để người dùng chọn bảo vệ môi trường khi tính năng sạc nhanh của cốc sạc 55W tặng kèm là quá tuyệt vời.
Doanh số bán hàng càng cho thấy rõ hơn điều này. Trong số 350,000 người mua Mi 11 ở đợt đặt hàng đầu tiên tại thị trường Trung Quốc, chỉ có khoảng 20,000 người mua (chưa đến 6%) lựa chọn phiên bản Mi 11 không kèm củ sạc để bảo vệ môi trường. Sau đó, nhà sản xuất đã phải chọn phương án phát hành phiên bản quốc tế của chiếc Mi 11 và Mi 11 Ultra kèm sẵn bộ sạc ở trong hộp. Dường như mục đích vì môi trường của Xiaomi chưa đạt được quyết tâm cần thiết.
Cái tên tiếp theo, không ai khác chính là 'đối thủ thế kỷ' của Apple, thương hiệu Samsung đến từ Hàn Quốc. Kể từ dòng Galaxy S21 được ra mắt vào tháng 1 vừa rồi, Samsung sẽ không còn trang bị củ sạc và tai nghe bên trong hộp các điện thoại flagship của họ. Củ sạc nhanh 25W sẽ được bán rời với giá niêm yết là 490 ngàn đồng, rẻ hơn khá nhiều so với Apple.
Không chỉ S series, điện thoại màn hình gập Z Fold3 và Z Flip3 mới nhất từ Samsung cũng không kèm phụ kiện này khi bán ra. Galaxy Z Fold3 là chiếc điện thoại đẳng cấp, nó có giá niêm yết hơn 40 triệu đồng và việc không kèm một củ sạc trong hộp sẽ khiến khách hàng đặt ra nhiều câu hỏi cho nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc. Điều trớ trêu là Samsung đã từng trêu ghẹo Apple khi hãng này bỏ củ sạc thì sau đó tới lượt họ lại làm điều tương tự. Chắc hẳn Samsung cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi 'cắt giảm phụ kiện, gia tăng lợi nhuận' mà Apple đã mở ra.
Mới nhất, Google cũng đã xác nhận sẽ bỏ củ sạc khỏi hộp flagship Pixel 6 mới nhất của họ, trong khi chiếc điện thoại này thậm chí còn chưa ra mắt. Không giống như những thương hiệu Android khác, Google thường chỉ ra mắt 1-2 mẫu điện thoại thông minh mỗi năm, số lượng họ bán ra cũng không quá nhiều, quyết định này của công ty chắc nhắn sẽ khiến nhiều người dùng bất ngờ.
Nếu một ngày tất cả điện thoại đều không còn củ sạc trong hộp?
Trước đây, điện thoại thường sử dụng nhiều chuẩn sạc và công nghệ sạc nhanh khác nhau vậy nên điện thoại cũng phải có bộ sạc tương thích trong hộp. Hiện tại, cổng sạc Type-C cùng công nghệ sạc nhanh Power Delivery (PD) đã dần phổ biến hơn, hầu hết các điện thoại Android trong 3 năm gần đây đều được trang bị cổng sạc này. Ngoài ra, nó còn xuất hiện trên các thiết bị âm thanh như tai nghe, loa hay chuột không dây, bàn phím, các thiết bị nhà thông minh và ngay cả đến máy tính.
Power Delivery cho phép các nhà sản xuất sản xuất bộ sạc cung cấp lựa chọn công suất lên đến 100W, cho phép nó tương thích không chỉ với điện thoại mà cả máy tính xách tay và nhiều phụ kiện. Điều này có nghĩa là nếu bạn đầu tư một bộ sạc Power Delivery tốt, bạn có thể sử dụng nó cho hầu hết thiết bị điện tử mà bạn sở hữu.
Vấn đề là các bộ sạc PD có giá thành không hề rẻ, với công suất từ 60-68W chúng đã có giá từ 500-900 ngàn đồng (tùy thuộc vào số lượng cổng sạc), các bộ sạc công suất 100W kèm công nghệ Gallium Nitride (GaN) có thể sạc được cho laptop giá còn cao hơn, lên đến hơn 1 triệu đồng.
Hơn nữa, việc sử dụng một bộ sạc bên thứ ba đôi khi có thể gặp vài vấn đề về liên quan đến tính tương thích và nếu xui xẻo dẫn để hư hỏng thiết bị, tôi chắc rằng nhiều nhà sản xuất sẽ từ chối bảo hành trường hợp này. Vậy nên các lý do được đưa ra để giải đáp cho việc loại bỏ phụ kiện là chưa đủ đối với một số người người dùng, họ cho rằng các công ty nên tiếp tục trang bị bộ sạc khi bán ra các thiết bị điện thoại thông minh, đặc biệt với những mẫu smartphone cao cấp mà người dùng phải bỏ ra số tiền không hề nhỏ để sở hữu.
Về căn bản, mặc dù chưa thực sự triệt để nhưng tôi vẫn đánh giá khá cao ý nghĩa bảo vệ môi trường khi các nhà sản xuất cho rằng đã có quá nhiều bộ sạc được bán ra ngoài thị trường. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, các mẫu điện thoại vẫn chưa thống nhất quy chuẩn đầu sạc vào thì việc bỏ cốc sạc phần nào vẫn gây nhiều phiền toái cho người dùng khi sở hữu các thiết bị mới.
Nhiều nhà phân tích đã vẽ nên bức tranh viễn tưởng khi mà Apple cũng chuyển qua đầu sạc Type-C trên iPhone của họ (tương tự cách họ đã làm với iPad Pro) nhưng tới thời điểm hiện tại, 'táo khuyết' vẫn chưa có dấu hiệu sẽ áp dụng chuẩn sạc này, nguồn doanh thu từ bán phụ kiện Lightning vẫn rất lớn và không dễ gì để họ có thể từ bỏ nó.
Ngoài ra, chất lượng và độ bền của những bộ sạc cũng là một vấn đề cần phải giải quyết, hầu hết chúng ta đều rõ các bộ sạc kèm máy của Apple là chưa thật sự đảm bảo, chúng dễ dàng đứt, lỗi chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. Thông thường tuổi đời của mỗi bộ sạc nói chung cũng chỉ khoảng 1-2 năm, đây cũng là thời gian trung bình mà người dùng đổi điện thoại mới, vậy nên việc nó đi kèm một bộ sạc, cáp mới cũng là hợp lý.
May mắn là hiện tại, trào lưu 'cắt giảm' phụ kiện mới chỉ xuất hiện trên các dòng điện thoại flagship, các điện thoại cận cao cấp cho đến giá rẻ hầu hết đều vẫn được trang bị kèm bộ sạc và đầy đủ các phụ kiện khác bao gồm cả tai nghe (những máy còn jack 3.5mm). Nhưng nếu một ngày tất cả điện thoại sẽ không có sẵn bộ sạc ở trong hộp khi bán ra thì sẽ thế nào? Tôi nghĩ nó sẽ thật tệ!
Mỗi chúng ta sẽ phải mất thêm một khoản để trang bị thêm bộ sạc khi mua điện thoại mới hoặc mua mới khi cốc sạc, cáp sạc cũ hư hỏng. Người dùng mất thêm tiền và các nhà sản xuất thì càng ngày càng kiếm lời nhiều hơn. Các thương hiệu chuyên phụ kiện điện thoại có lẽ sẽ trở nên thành công hơn bao giờ hết, nhu cầu càng cao, họ càng sản xuất nhiều hơn, câu chuyện môi trường vẫn tiếp diễn và chẳng lạc quan hơn.
Tạm kết
Thiết nghĩ, các thương hiệu điện thoại nên làm gì đó hợp lý hơn thay vì loại bỏ bộ sạc ra khỏi hộp hoặc ít nhất cho đến lúc đó những nhà sản xuất điện thoại Android nên dừng việc làm theo 'tấm gương xấu' của Apple. Chúng tôi đã tạo một khảo sát nho nhỏ bên dưới, hãy cho chúng tôi biết ý kiến của bạn và liệu bạn có đồng ý với xu hướng mới này hay không nhé!

Bình luận (0)