Trang chủThị trường
Tại sao các nhà sản xuất smartphone lại để những lỗi thiết kế này xảy ra trên sản phẩm của mình?
Tại sao các nhà sản xuất smartphone lại để những lỗi thiết kế này xảy ra trên sản phẩm của mình?

Tại sao các nhà sản xuất smartphone lại để những lỗi thiết kế này xảy ra trên sản phẩm của mình?

Tại sao các nhà sản xuất smartphone lại để những lỗi thiết kế này xảy ra trên sản phẩm của mình?

Thế Duyệt, Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Thế Duyệt
Ngày đăng: 06/07/2019-Cập nhật: 08/07/2019
gg news
Lý do đằng sau những điểm trừ về thiết kế trên những chiếc smartphone ngày này là gì và tại sao chúng vẫn được các nhà sản xuất phê duyệt trước khi bán ra cho người dùng?

Năm 2019 đã qua được hơn một nửa, và chúng ta đã và đang chứng kiến những thay đổi đáng kể trên các thiết bị smartphone chỉ trong vài năm trở lại đây. Mặc dù vẫn còn nhiều sự khác biệt giữa các mẫu smartphone với nhau, tuy nhiên không thể phủ nhận thiết kế của smartphone hiện tại đang dần đạt tới điểm bão hòa. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất rõ ràng vẫn dành ra rất nhiều thời gian để 'chăm chút' cho sản phẩm của mình trước khi bán ra thị trường.

Mỗi khi trên tay bất cứ chiếc smartphone nào, người dùng chúng ta có xu hướng chỉ ngay ra những điểm tiêu cực về thiết kế mà chúng ta không thích. Cũng không thể trách người dùng được bởi đây chỉ là một hành động mang tính tự nhiên, bởi chúng ta có xu hướng nhận ra ngay những thứ 'không vừa mắt'. Nhưng đấy vẫn chỉ là quan điểm cá nhân, có người thích như vậy, có người lại không.

Tuy nhiên, một lúc nào đó, sẽ có một số điểm trong thiết kế của smartphone khiến chúng ta tự hỏi: làm thế quái nào mà những chi tiết thiết kế này lại có thể được nhà sản xuất phê duyệt trước khi đi vào sản xuất hàng loạt và bán ra cho người dùng cơ chứ?

Không có bất cứ chiếc điện thoại nào là hoàn hảo

Thiết kế ra một thiết bị cầm tay để mà làm hài lòng được tất cả mọi người là một điều không thể. Không chỉ bởi mỗi người đều có kích cỡ bàn tay khác nhau, mà còn về các yếu tố ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng khi sử dụng thiết bị, kể cả khi có đeo ốp lưng hay không.

Tất nhiên, màn hình sẽ vẫn là thành phần chính của mỗi chiếc smartphone ngày nay và kích thước màn hình là điều quyết định xem chiếc smartphone trông sẽ như thế nào. Người dùng muốn màn hình to hơn, nhưng khi kéo dài đường chéo của màn hình máy, tổng thế chiếc smartphone sẽ trở nên quá cỡ và khó để cầm nắm.

Và để giải quyết vấn đề này, các nhà sản xuất bắt đầu làm ra những chiếc smartphone có màn hình dài hơn, với tỷ lệ màn hình rộng hơn, và mới đây nhất chính là chiếc Xperia 1 với màn hình 21:9. Tuy nhiên, điều này lại không giúp ích gì nhiều bởi ngón cái là ngón tay ngắn nhất và khi màn hình trở nên dài hơn, phần lớn diện tích màn hình trở nên không thể với tới một cách bình thường.

Và thế là các nhà sản xuất quyết định để người dùng lựa chọn những thứ gì mà họ muốn 'hi sinh': màn hình hay sự tiện lợi. Đó là nguyên do mà giờ đây hàng loạt các mẫu smartphone cao cấp đều có nhiều phiên bản kích cỡ màn hình khác nhau, để phù hợp với thị hiếu của nhiều người dùng hơn. Điều này giải quyết một trong nhiều vấn đề, nhưng không phải là vấn đề mà chúng ta đang đề cập tới. Có một số điểm nhấn trong thiết kế của smartphone mà chúng chiếm vai trò quan trọng trong việc quyết định xem sử dụng chiếc điện thoại đó có thoải mái hay không.

Phím nguồn, phím âm lượng và cảm biến vân tay

Trên hầu hết các thiết bị smartphone hiện nay, có 3 thứ mà chúng ta cần phải với tới bằng ngón tay mỗi khi sử dụng điện thoại. Tất nhiên không phải là màn hình, mà là cụm phím cứng (nguồn, âm lượng) và cảm biến vân tay. Các yếu tố này dường như không phải là thứ gì đó quá quan trọng khi chúng ta chọn mua một chiếc smartphone, nhưng một khi bị đặt sai chỗ, chúng có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm sử dụng hàng ngày của bạn trong suốt quá trình sử dụng, có thể là nhiều năm.

Ví dụ về việc đặt sai vị trí nút nguồn có thể kể tới như chiếc Galaxy S10 và S10+. Không hẳn là sai, chỉ là quá khó để với tới khi so sánh với hầu hết các mẫu smartphone khác, bởi các phím bấm này trên Galaxy S10 và S10+ được đặt quá cao, nằm ngoài tầm với của ngón tay cái của người dùng. Điều này có thể dẫn đến việc tăng khả năng người dùng làm rơi chiếc S10 của họ.

Do vậy, trong khi tổng thể thiết kế của Galaxy S10 và S10+ có thể gần như là hoàn hảo, thì trừ khi bạn có một bàn tay không hồ hay một ngón tay thực sự dài, không thì vị trí phím bấm này sẽ làm phiền bạn một cách cực kỳ khó chịu. Tất nhiên, các tính năng như 'raise to wake' hay 'double tap to wake' sẽ giúp ích phần nào, nhưng bạn sẽ vẫn phải dùng tới phím nguồn để khóa màn hình, đúng không?

Một ví dụ khác đi. Còn nhớ các thiết bị Pixel chứ? Không rõ vì lý do gì mà Google đã quyết định đặt phím volume của máy ở bên dưới phím nguồn. Việc này có thể giúp việc với tới phím volume dễ dàng hơn, nhưng chắc chắn việc đặt phím nguồn ở đúng vị trí sẽ là yếu tố quan trọng hơn bởi tần suất sử dụng phím nguồn của người dùng chắc chắn sẽ nhiều hơn là sử dụng phím volume.

Đó là 'câu chuyện' về phím nguồn và phím âm lượng, vậy còn cảm biến vân tay thì sao? Khác với 2 phím cứng trên, các nhà sản xuất có muôn vàn các vị trí khá là 'ngớ ngẩn' để đặt cảm biến vân tay. Chắc hẳn chúng ta ai cũng còn nhớ vị trí đặt cảm biến vân tay trên bộ đôi Galaxy S8 và S8+ chứ nhỉ? Đây là một ví dụ điển hình của việc đặt sai vị trí vân tay ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng như thế nào. 'Nhờ' vị trí 'ngớ ngẩn' này mà camera chính của máy thường xuyên cần phải lau chùi bởi người dùng toàn đặt nhầm ngón tay vào ống kính camera.

Tuy nhiên, chẳng có nhà sản xuất nào lại không biết về sự sai phạm trong thiết kế smartphone của họ cả, bởi kể từ khâu thiết kế, sản xuất cho tới kiểm thử, các mẫu smartphone cần phải đi qua các bước kiểm duyệt nghiêm ngặt. Vậy lý do gì àm những chi tiết thiết kế 'kém sang' kiểu này vẫn xuất hiện?

Những giới hạn mà chúng ta không thể nhìn thấy

Mặc dù các nhà sản xuất smartphone sẽ chẳng bao giờ công bố lý do đằng sau những sự 'ngớ ngẩn' mà họ mắc phải trong thiết kế, tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một số giả thiết hợp lý như sau.

Giả thiết 1: 'Nội thất' bên trong smartphone quyết định thiết kế bên ngoài

Các nhà sản xuất, đặc biệt là những nhà thiết kế không chỉ phải cân nhắc tới việc những chiếc smartphone trông sẽ như thế nào, mà còn phải tuân thủ cách hoạt động của thiết bị với các linh kiện bên trong. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một vài giới hạn nhất định khi đặt các tính năng cụ thể xung quanh thân của smartphone. Các linh kiện cần phải được liên kết từ ngoài vào trong rồi dẫn tới bảng mạch. Đây không phải là một quá trình gì đó dễ dàng.

Trong khi smartphone ngày nay càng ngày càng trở nên đẹp và bóng bẩy hơn, thì 'nội thất' bên trong chúng vẫn là một 'mớ lộn xộn' hơn bao giờ hết. Đó là lý do tới thời điểm hiện tại, chưa có nhà sản xuất nào tung ra phiên bản thiết kế trong suốt một cách hoàn toàn cả, bởi linh kiện bên trong những chiếc smartphone thực sự không hề được đẹp như bên ngoài.

Ngày nay, các nhà sản xuất đang cố gắng làm hài lòng người dùng bằng cách 'nhồi nhét' một viên pin dung lượng lớn vào trong smartphone của họ. Điều này buộc các nhà thiết kế đôi khi phải 'hi sinh' một số chi tiết nhỏ về thiết kế để có thể phù hợp với những gì mà nhà sản xuất đưa ra, trong một không gian đã rất bé lại còn càng bé hơn khi viên pin trở nên lớn hơn. Từ đó dẫn đến việc các phím cứng vật lý, hoặc cảm biến vân tay bị đặt hơi lệch và sai chỗ.

Giả thiết 2: Các vấn đề về độ bền

Chắn hẳn bạn đang nghĩ: Phím nguồn thì có liên quan gì tới độ bền của smartphone? Có thể thế thật, nhưng cái 'lỗ' mà dùng để đặt các phím cứng này lại có liên hệ tới độ bền và độ cứng của máy. Phần khung kim loại của chiếc smartphone là bộ xương của máy, không chỉ để giữ và cố định các thành phần linh kiện, mà còn đảm bảo thiết bị của bạn không bị uốn cong khi đặt trong túi quần.

Tất nhiên, một khi phải 'khoan' một vài chỗ để có thể đặt vừa phím nguồn và phím âm lượng, chắc chắn khi đó bộ khung kim loại của smartphone sẽ trở nên yếu hơn, điều này đặc biệt đúng khi các nhà sản xuất khoan các lỗ trên cả 2 mặt của thiết bị và ở cùng một độ cao nhất định, từ đó tạo ra một đường ngang mà tại đó thiết bị dễ bị bẻ cong nhất. Mặc dù vẫn có nhiều smartphone trên thị trường có kiểu thiết kế phím cứng ở vị trí như vậy, nhưng đó là do các nhà sản xuất đã phải gia cố thêm ở bên trong bộ khung để giúp tăng độ bền. Tất nhiên điều đó sẽ lại khiến chúng ta tốn thêm một phần diện tích ở bên trong máy.

Bộ đôi iPhone 6 và iPhone 6 Plus có lẽ sẽ là một ví dụ điển hình cho giả thiết lần này. Scandal 'Bendgate' năm 2014 đã khiến cho các mẫu iPhone 6 đời đầu của Apple dễ dàng bị bẻ cong, kể cả khi để nó ở trong túi quần. Sự cố này chắc chắn có liên quan tới thiết kế và gia cố khung viền kim loại của máy, khi Apple có thể đã bỏ qua 'điểm yếu' trên khung máy để cố mang tới một thiết kế mỏng gọn nhẹ hơn cho người dùng. Và kết quả là hàng ngàn người gặp phải tình trạng máy thì chưa dùng đã bị bẻ cong.

Suy cho cùng thì những chiếc smartphone ngày nay sẽ vẫn tồn tại những điểm yếu nhất định trong thiết kế, cũng như các nhà sản xuất cần phải hòa hợp giữa ngoại hình bên ngoài và nội thất bên trong để không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng. Tất nhiên không phải vì những lý do trên mà chúng ta bỏ qua những điểm trừ về thiết kế hay những điểm mà chúng ta không thích. Người dùng sử dụng những sản phẩm cuối cùng và nếu đội ngũ thiết kế buộc phải 'hi sinh' yếu tố nào đó, điểm số tổng thể sẽ phản ánh những yếu tố này. Và cuối cùng, người dùng sẽ vẫn có những sự lựa chọn khác nhau khi chọn mua chiếc smartphone cho riêng mình. Hãy chọn những chiếc smartphone mà bạn cảm thấy hài lòng nhất khi sử dụng.


Hiện tại, để giúp quý độc giả nắm bắt được những thông tin công nghệ mới nhất, nóng hổi nhất, CellphoneS chính thức thành lập fanpage “Trang tin công nghệ Sforum.vn”, tại đây các thông tin về công nghệ hấp dẫn luôn được cập nhật thường xuyên và liên tục. Hãy like pageSforum.vntheo đường link sau:https://www.facebook.com/SforumTech.
Hoặc truy cập websiteSforum.vnđể đọc ngay những tin tức công nghệ cực hot.
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Mình có một châm ngôn khi viết bài là "the most important thing is to focus, focus, focus". Luôn tập trung vào mục tiêu, nội dung, và độc giả của mỗi bài viết để cho ra những bài viết chất lượng và hấp dẫn.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo