Venezuela: Siêu lạm phát 1 triệu % và câu chuyện xót thương hơn là bi hài khi mua smartphone


Tại quốc gia nơi lạm phát đạt mức 1 triệu % như Venezuela, việc mua bán smartphone đã trở thành một trong những câu chuyện bi hài nhất lịch sử nước này.
Là một trong những quốc gia có nền kinh tế cực kỳ thiếu ổn định, Venezuela có mức lạm phát cực kỳ lớn, lên tới 1 triệu %. Mức siêu lạm phát này là kết quả của nền kinh tế thất bại, giá hàng hóa tăng chóng mặt và liên tục trong thời gian ngắn khiến cho khối tài sản của người dân trở nên mất giá trị.
'Nhờ' mức lạm phát 'siêu to khổng lồ' này mà từ lâu, việc mua bán nhu yếu phẩm ở Venezuela đã được coi là một cơn ác mộng, đặc biệt là đối với những người lao động không có tài khoản ngân hàng. Đơn vị tiền tệ của Venezuela là bolivar giờ đây có giá trị cực kỳ thấp, đến nỗi nó không còn được tính bằng tờ theo giá trị nữa mà phải đo bằng kg mỗi khi đi chợ cho nhanh. Thậm chí ở quốc gia này, những phiên chợ 'bán tiền' nội tệ bolivar để đổi lấy ngoại tệ như USD và EUR là cực kỳ phổ biến và nó diễn ra quanh năm suốt tháng tại các địa điểm du lịch.

Tính tới thời điểm trước năm 2018. để có thể mua được một cuộn giấy vệ sinh giá 0.4 USD, người dân Venezuela phải mang tới 2.6 triệu bolivar theo người hay mua một con gà giá 2.22 USD, cần phải trả tới 14.6 triệu bolivar, một con số không hề nhỏ và việc đếm tiền trở thành nỗi kinh hoàng đối với cả người bán và người mua.

Với những món đồ thường ngày có giá trị nhỏ như vậy, việc mua hàng đã trở thành ác mộng, vậy thì đối với những mặt hàng đắt giá hơn như smartphone thì câu chuyện diễn ra như thế nào? Liệu người dân có cần phải mang theo những chiếc xe tải chở đầy tiền trong hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn như này?
Thu nhập bình quân của nhiều người dùng tại Venezuela chỉ khoảng 90.000đ/tháng (4 USD/tháng)
Trước khi đề cập tới câu chuyện mua smartphone của người dân Venezuela, chúng ta cần phải biết được mức nhu nhập của nhiều người tại quốc gia này cực kỳ thấp, 'chỉ' 40 triệu bolivar. Theo tỷ giá đối hóa cuối tháng 7 năm ngoái, 10 triệu bolivar tương đương với 1 USD. Có nghĩa là thu nhập bình quân của người dân tại quốc gia này là 4 USD/tháng, tức chỉ khoảng 90.000 đồng.

Tất nhiên, với mức nhu nhập này thì để duy trì một cuộc sống cơ bản đã quá là khó khăn, chứ chưa nói tới việc mua những mặt hàng đắt đỏ như smartphone.
Nhưng hãy cứ tiếp tục và giả sử người dân ở đây muốn mua một chiếc smartphone thì sẽ phải làm gì? Hãy lấy ví dụ một chiếc smartphone giá siêu rẻ của Xiaomi là chiếc Redmi Go, hiện đang có mức giá khoảng 1.5 triệu đồng (65 USD) trên toàn cầu. Sau khi nhập khẩu vào Venezuela và tính lợi nhuận của cửa hàng thì mức giá sẽ tăng gấp rưỡi, khoảng 90 USD.

Với mức thu nhập chỉ 4 USD của người dân nơi đây, thì phải tiết kiệm từ 21 tới 25 tháng không chi tiêu gì mới có thể đủ sức mua chiếc Redmi Go này, chưa kể trong khoảng thời gian 2 năm này, mức lạm phát tại Venezuela có thể tiếp tục tăng mạnh bởi nền kinh tế không ổn định, khiến đồng bolivar tiếp tục xuống giá.
Bi hài câu chuyện mua smartphone của người dân xứ lạm phát 'siêu to khổng lồ'
Chúng ta hãy tiếp tục giả sử rằng người dân nơi đây đã có đủ tiền tiết kiệm để mua được một chiếc Redmi Go. Vậy sau đó thì họ sẽ phải làm gì? Việc mua một chiếc smartphone mới tại quốc gia thuộc thế giới thứ 3 này không thực sự có nhiều lựa chọn, bởi bạn sẽ không thấy các cửa hàng đại lý chính hãng, hay các chuỗi bán lẻ hay thương mại điện tử như ở Việt Nam.
Để mua được một món đồ công nghệ như vậy, hầu hết mọi người sẽ đều phải đi tới một nơi, đó là trung tâm mua sắm City Market, nằm ở đại lộ Sabana Grande ở phía đông thành phố Caracas, thủ đô của Venezuela. Tại đây, sẽ có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ tập trung bày bán đủ các loại smartphone từ giá rẻ cho tứi cao cấp, kể cả những chiếc smartphone flagship như Galaxy S10 hay iPhone XS có mức giá vượt hàng nghìn lần so với mức thu nhập của người dân nước này.

Điều nực cười nằm ở chỗ, tất cả các cửa hàng ở trung tâm mua sắm này đều từ chối thanh toán bằng đồng bolivar nội tệ. Nguyên nhân thì có vẻ như ai cũng đã biết, do mức độ lạm phát cao, kèm theo việc đếm cả một bao tải tiền 'siêu to khổng lồ' là một điều không thể.
Chả phải bao tải, nếu 10 triệu bolivar tương ứng với 1 USD, thì với mức giá 90 USD, tương đương với 900 triệu bolivar, người dân sẽ cần phải thuê hẳn 1 chiếc xe tải tiền mới có thể quy đổi đủ giá trị của chiếc smartphone.
Chính vì vậy, các cửa hàng tại đây chỉ chấp nhận thanh toán bằng các đơn vị tiền tệ khác, bao gồm ngoại tệ như USD, EUR, thẻ tín dụng quốc tế, PayPal, hay thậm chí chấp nhận thanh toán bằng cả Bitcoin, Litecoin và nhiều loại tiền mã hóa khác, khiến mọi thứ tại đây trở nên khá lộn xộn.

Phương án khả thi nhất khi chọn mua smartphone là sử dụng nền tảng PayPal. Thông thường tài khoản PayPal của các cửa hàng này được quản lý bởi một người ở nước ngoài. Sau khi khoản thanh toán đã được thực hiện, nhân viên thu ngân sẽ liên hệ với những người này để xác nhận.
Đối với chiếc Redmi Note 7, quá trình xác nhận này mất 20 phút. Chiếc điện thoại được giao ngay sau đó với hóa đơn đầy đủ và 3 tháng bảo hành tại cửa hàng. Đối với chiếc Redmi Go tại cửa hàng khác, người chủ đã yêu cầu quay trở lại vào ngày hôm sau mới có thể nhận được hàng, do quá trình xác nhận gặp trục trặc. Tuy nhiên vào ngày hôm sau, nhân viên của cửa hàng đã giao chiếc smartphone đến khách sạn, kiểm tra tại chỗ, với đầy đủ hóa đơn và họ còn tốt bụng dãn miễn phí kính cường lực.

Đây quả thực là một trải nghiệm không mấy vui vẻ khi mua smartphone tại quốc gia siêu lạm phát này. Với việc chấp nhận thanh toán đủ các thể loại tiền tệ nước ngoài, nhiều kẻ xấu cũng đã lợi dụng những kẻ hở để lừa đảo tiền, khiến nhiều cửa hàng và cả người dùng đều cũng gặp khó khăn khi mua và bán các mặt hàng điện tử có giá trị cao.
Smartphone Android giá rẻ cực kỳ phổ biến tại Venezuela
Do mức thu nhập thấp và cũng không có quá nhiều người có đủ khả năng mua những chiếc smartphone có giá trị cao, do đó tại quốc gia này, chúng ta sẽ thấy những chiếc smartphone Android giá rẻ từ nhiều năm trước xuất hiện rất nhiều.
Nhu cầu nâng cấp smartphone mới hàng năm cũng không hề phổ biến, người dùng lựa chọn trung thành với chiếc smartphone của mình trong nhiều năm liền. Bởi vậy mà Venezuela là một trong những thị trường với các mẫu smartphone Android cũ kỹ như Lollipop, Jelly Bean hay thậm chí là cả ICS (4.0).

Những chiếc smartphone này cũng có phần cứng rất thấp. Một trong những chiếc smartphone Android được sử dụng nhiều nhất tại đây là Orinoquia Auyantepui Y221 và Orinoquia Bucare Y330, đây là những chiếc smartphone đổi thương hiệu của Huawei Ascend Y210 và Ascend Y330, chúng đều đã ra mắt cách đây gần 10 năm.
Với bộ vi xử lý lõi kép MediaTek MT6572 và bộ nhớ RAM 512MB, cùng hệ điều hành Android Android 4.2/4.4 trên giao diện EMUI. Có thể bạn sẽ phát điên khi duyệt web, lướt Facebook hay xem YouTube trên những chiếc smartphone này.

Tuy nhiên, mặc dù là những chiếc smartphone giá rẻ, nhưng vai trò của những chiếc smartphone này là cực kỳ quan trọng trong việc giúp người dân tại Venezuela này nhìn ra thế giới. Chúng cho phép người dân nước này có thể liên lạc, cập nhật thông tin trên thế giới cũng như giao dịch với ngân hàng thông qua ứng dụng mobile.
Chính phủ Venezuela đã làm gì để khắc phục tình trạng siêu lạm phát?
Vào tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro của Venezuela đã ban hành thông báo cho biết sẽ phục hồi nền kinh tế nước này kể từ 20/8 bằng cách bớt đi 5 số 0 trên đồng nội tệ bolivar.

Theo kế hoạch ban hành, việc điều chỉnh chính sách hối đoái một mặt sẽ giúp ngăn chặn hoạt động đổi tiền bất hợp pháp, mặt khác sẽ cho phép sự “dịch chuyển tự do” của các nguồn đầu tư bằng ngoại tệ ở trong nước. Ông Maduro cũng cam kết những biện pháp mới này sẽ giúp khôi phục hoàn toàn sức mua trong nội địa.
Ở thời điểm hiện tại, theo tỷ giá đối hoái tháng 8/2019, 1 USD tương đương với khoảng 250.000 bolivar, con số này đã giảm hơn nhiều lần so với tháng 7 năm ngoái, nhưng vẫn đưa Venezuela trở thành một trong những quốc gia có mức lạm phát cao nhất thế giới.

Bình luận (0)