80% người dùng Android không còn "nhớ nhung" gì với Root nữa, thời đại vọc vạch trên smartphone đã chấm dứt


Nhớ lại thời điểm khoảng những năm 2012 - 2015, thời kỳ hoàng kim của của các diễn đàn smartphone của các hãng Android lớn nhỏ, nơi dành cho các chiến thần vọc vạch, chiến binh root máy và kẻ huỷ diệt bootloader luôn tràn ngập các chủ đề và bài viết chia sẻ ROM mod, các root mới nhất theo hệ điều hành và cũng đồng thời kèm các bài viết xin 'cứu' máy khỏi bị brick,... Giờ đây đã vắng lặng, thậm chí không còn nữa vì chả ai mảy may quan tâm đến vấn đề vọc vạch nói chung hay root máy nói riêng.
Các diễn đàn người dùng của từng hãng điện thoại khi xưa hot với các hướng dẫn 'phá' máy thì giờ đây cũng đã chuyển thành các trang chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Kể cả trang quốc tế chuyên chỉ cách tuỳ biến và tổng hợp các bản ROM lớn nhỏ như XDA cũng đã hạ nhiệt với lượng bài đăng ngày càng thưa dần.
Và gần đây nhất, trang Android Authority đã khảo sát người dùng Android để biết về tình hình lượng máy đã root trên smartphone. Kết quả có đến gần 80% trong tổng 3300 người dùng đã không còn root máy nữa. Một tín hiệu cho thấy sự quan tâm đến bộ môn nay đang rơi vào dĩ vãng.
Từ giải pháp trở thành vấn đề
Root máy, cũng như jailbreak cũng đã từng là một bộ môn phổ biến và được cộng đồng smartphone tìm đến như một giải pháp để tăng cường tính năng cho điện thoại. Về bản chất, việc root máy cho phép người dùng tìm đến những giải pháp về mặt phần mềm tốt hơn cho máy, có thể kể đến như cho phép tinh gọn lại ứng dụng trong máy, thay thế các ứng dụng rác, cài ROM mượt mà hoặc đẹp đẽ hơn trên điện thoại hay tà đạo hơn là sử dụng ứng dụng crack miễn phí, hoặc hack vật phẩm trong game.
Có thể nói root được xem như một giải pháp thần kỳ để người dùng làm chủ hoàn toàn và tuỳ ý chỉnh sửa chiếc máy theo ý muốn, đồng thời là một biện pháp tiết kiệm khi không phải bỏ tiền ra để mua game hay vật phẩm game. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở dẫu cách root thì dễ nhưng không phải ai cũng đảm bảo an toàn cho việc root máy và tạo ra hàng tá vấn đề không tên trong quá trình sử dụng và trải nghiệm smartphone của người dùng.
Việc root máy, cũng giống với việc Jailbreak trên iPhone đều đem lại những nguy hiểm cũng như hậu quả khôn lường đến người dùng như mất bảo hành, gây nguy hiểm đến dữ liệu, có nguy cơ bị hư máy vĩnh viễn,... Vốn là những nguy cơ mà người 'mày mò' trước khi root máy đều đã được thông báo trước và chấp nhận vấn đề. Tuy nhiên mọi thứ lại trở nên phức tạp hơn khi đã bắt đầu root.
Là một người đã từng có trải nghiệm root máy và 'vọc vạch' một vài chiếc smartphone Android vào thời điểm root lên ngôi (chứ hiện tại đang xài iPhone). Mỗi lần root đều đã mang lại những cảm giác thú vị và háo hức tại thời điểm đó - cảm giác được làm chủ hoàn toàn chiếc smartphone của mình.
Vào năm 2014 khi root máy đang trở thành một trào lưu, cũng giống như mọi người, mình tìm đến root để cải thiện cảm giác sử dụng trên sản phẩm. Mua máy Sony Xperia Tipo cùi nhưng lại muốn đem ROM xịn của Xperia Z (flagship tại thời điểm đó) lên trên chiếc máy của mình rồi ép xung các kiểu để máy chạy 'mượt' hơn, hay sử dụng Asus Zenfone 5 với ROM tuỳ biến để máy nhẹ nhàng hơn và bớt hao pin do chip Intel Atom chưa hoàn thiện. Hay root cho Sky Vega Iron của bạn để xoá bớt ứng dụng rác và cài ROM gốc xài cho 'phê'.
Chung quy lại, tất cả mục đích đều xuất phát chính từ những mong muốn tự tay chỉnh sửa lại phần mềm trên chiếc smartphone Android để phục vụ cho nhu cầu căn bản - xài 'ngon'. Ở lúc đó, mình chưa sở hữu máy flagship nên không rõ những chiếc máy đó có được tối ưu để xài 'ngon' hay không nhưng những chiếc máy tầm trung - giá rẻ tại thời điểm đó chắc chắn không ngon như máy cùng chủng loại bây giờ. Bỏ qua giới hạn của phần cứng thì phần mềm khi đó lại không được tối ưu tốt, quá nhiều tiến trình chạy nền hay ứng dụng làm cho người dùng cảm thấy 'ngộp', vừa không dùng tới lại vừa nặng máy.
Root 'hết thời' và sự sụp đổ của CyanogenMod
Nếu bạn cũng đã từng tìm đến root và cài ROM, ắt hẳn đã biết tới dòng ROM CyanogenMod vốn hỗ trợ đa dạng dòng máy và đem lại cảm giác mượt mà của Android gốc trên mọi thiết bị, hay có thể được xem là 'trùm' trong làng ROM mod Android vào thời hoàn kim của Root. CyanogenMod từ thuở mới được xuất xưởng đã được xem như một dạng 'ROM gốc thứ hai' bởi khả năng đem lại những trải nghiệm toàn diện cho người dùng Android thời bấy giờ.
Nếu như bạn chán ngấy với giao diện Android cứng nhắc và thừa thải của đa số hãng lúc bấy giờ, CyanogenMod được xem như 'phao cứu sinh' cho chiếc máy Android của bạn, một dạng ROM mod giúp cho máy chạy mượt, mát, giao diện hỗ trợ tuỳ biến sâu nhưng lại không hề phức tạp.
Ngoài ra, đây còn là cứu cánh cho những chiếc máy đã lỗi thời do các hãng Android thời bấy giờ rất hay 'đem con bỏ chợ' khi có những mẫu máy không được cập nhật lên Android mới dù chỉ mới ra mắt một năm. Khái niệm cập nhật phần mềm với các hãng Android lúc đó còn thiếu đồng nhất và quá phức tạp bởi việc 'xào nấu' quá nhiều phiên bản ROM cho quá nhiều thiết bị.
Nếu thiết bị của bạn không còn được hỗ trợ phiên bản Android mới nhất? CyanogenMod sẽ hỗ trợ điều đó cho máy bạn. Ngoài ra còn hỗ trợ thêm các khả năng 'buff sức mạnh cho máy' như điều chỉnh xung nhịp, hay RAM ảo như các máy Android ngày nay đã và đang áp dụng.
Tuy nhiên, thời đại phổ biến của CyanogenMod dần lụi tàn khi các hãng Android và chính Google cũng đã nỗ lực tinh chỉnh lại các vấn đề về giao diện rối rắm và những khó khăn trong việc hỗ trợ cập nhật phiên bản Android.
Đặc biệt với các hãng Trung Quốc, như OnePlus cũng đã từng ký kết hợp đồng để mang CyanogenMod lên hỗ trợ chính thức các thiết bị của họ khi cho ra mắt chiếc flagship killer OnePlus One, các hãng Android từ Trung Hoa khác cũng đã có chung 'tư tưởng' làm giao diện phiên bản Android đơn giản, dễ sử dụng như MIUI trứ danh của Xiaomi, ColorOS của OPPO hay One UI thay thế cho Touch Wiz cũ kỹ của Samsung,...
Android đã cải tiến quá tốt, root thật dư thừa
Root dần trở thành một nỗi quên lãng từ khi các hãng Android đã chịu lắng nghe và hiểu thấu người dùng, bỏ qua những màn trình diễn không cần thiết về mặt phần mềm, các hãng Android đã chịu 'iOS' hoá hơn khi đã cắt bỏ tính năng, mang lại giao diện bớt rối rắm hơn và cam kết cập nhật phần mềm lâu hơn cho các thiết bị mà mình bán ra, một động thái mang lại sự an tâm cho người dùng, làm người dùng không cần phải root để cài ROM có bản Android mới hơn như CyanogenMod nữa.
Samsung với sự ra mắt của One UI là một ví dụ cụ thể cho thấy sự cải thiện đáng kể của hãng với giao diện Android trên các dòng sản phẩm Galaxy của mình. Như một sự lột xác với giao diện trước đó, One UI được ra mắt để hạn chế tính 'lộn xộn' trong UI và UI, giao diện mượt mà hơn, thẩm mỹ hơn.
Các tính năng như đa nhiệm, tính năng chơi game thuận tiện cùng với bộ ứng dụng gốc được làm hiện đại và nhanh nhạy hơn trước. Cùng với sự hỗ trợ cập nhật và cải tiến đều đặn giao diện One UI theo từng năm, Samsung cũng đã thành công giảm bớt lý do để người dùng phải cần tìm đến biện pháp root máy.
Root máy để tuỳ biến, cài ROM được xem như biện pháp cuối để người dùng thoát khỏi những gì không tốt ở hệ điều hành gốc. Và một khi giao diện, hệ điều hành gốc của hãng làm đủ tốt, sẽ không còn nhiều người muốn root máy nữa.
Thời đại của thanh toán, bảo mật điện tử, máy root chịu sao thấu?
Khác với trước đây khi sự bùng nổ của fintech, đặc biệt là các ứng dụng thanh toán online chưa đạt đến mức phổ biến như hiện nay thì việc root máy không gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình sử dụng. Tuy nhiên thời thế bây giờ khác xưa, không chỉ dùng để liên lạc, giải trí mà smartphone giờ đây còn được xem như công cụ thanh toán tiện lợi.
Việc root máy là một hành động mang tính gây hại đến bảo mật trong điện thoại của người dùng. Vì thế, các ứng dụng yêu cầu bảo mật cao như các app ngân hàng đều cảnh báo và từ chối cho sử dụng trên các máy root. Máy đã root giờ đây sẽ phải mất nhiều công sức hơn để 'qua mặt' các ứng dụng ngân hàng, vốn khá mất công và cũng đe doạ đến tài sản của người dùng. Nên trừ khi là máy phụ, thì những ai dùng máy chính có tài khoản ngân hàng cũng không đi root làm gì cho bị 'dí' bảo mật.
Ngoài ra các ứng dụng yêu cầu bảo mật khác chẳng hạn như Netflix cũng 'gây khó dễ' khi không hoạt động trên smartphone đã root. Có thể các ứng dụng cung cấp dịch vụ stream phim bản quyền khác cũng đã hoặc sẽ có những động thái tương tự. Dần dần, root từ việc trở thành 'cánh cổng tự do' để người dùng làm gì thì làm trên smartphone giờ đây đã trở thành một 'chốn tù túng' khi máy đã root lại bị cấm cản muôn phần ở trong ứng dụng.
Tạm kết
'Trào lưu' root máy hiện tại chỉ còn le lói ở một cộng đồng nhất định sử dụng Android, chỉ thích hợp với người dùng thích vọc vạch ở máy phụ hoặc những máy 'nội địa' không có bộ dịch vụ Google. Còn lại với người dùng phổ thông và thậm chí có hiểu biết về công nghệ cũng không còn mặn mà gì với root nữa, bởi vì giao diện Android gốc của các hãng đã quá tốt, và không ai muốn gặp phiền phức về bảo mật thông tin trên smartphone của mình.
- Xem thêm bài viết chuyên mụcThị trường

Bình luận (0)