Trang chủThị trường
Giải ngố về 5G: Đừng để các thuật ngữ đánh lừa, gọi là 5G nhưng không hẳn đã là 5G thực sự
Giải ngố về 5G: Đừng để các thuật ngữ đánh lừa, gọi là 5G nhưng không hẳn đã là 5G thực sự

Giải ngố về 5G: Đừng để các thuật ngữ đánh lừa, gọi là 5G nhưng không hẳn đã là 5G thực sự

Giải ngố về 5G: Đừng để các thuật ngữ đánh lừa, gọi là 5G nhưng không hẳn đã là 5G thực sự

Tiz , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Tiz
Ngày đăng: 08/12/2019-Cập nhật: 08/12/2019
gg news

Kỷ nguyên 5G đang đến rất gần, và ngay tại Việt Nam các nhà mạng cũng đang rục rịch chuẩn bị để theo kịp thế giới. Qualcomm cũng vừa ra mắt loạt vi xử lý mới hỗ trợ 5G cả cao cấp và tầm trung, vì vậy có thể chỉ năm sau thôi công nghệ này sẽ được phổ biến.

Và khi 5G bắt đầu được triển khai, nhà mạng cũng như các nhà cung cấp thiết bị sẽ sử dụng rất nhiều thuật ngữ khó hiểu để đánh lừa bạn. Để chuẩn bị cho một kỷ nguyên công nghệ mới, những thuật ngữ dưới đây sẽ có ích cho bạn.

5G NR (5G New Radio)

5G New Radio là tên gọi của tiêu chuẩn được sử dụng để xây dựng mạng 5G. Bất cứ thứ gì bạn thấy ngày hôm nay được gọi là 5G sẽ sử dụng tiêu chuẩn này, ngoại trừ một ngoại lệ. Dễ hiểu hơn thì đây là một tiêu chuẩn chung, tất cả các hạ tầng 5G cũng như thiết bị 5G phải có một tiêu chuẩn để tuân theo giúp chúng có thể “nói chuyện” được với nhau.

5Ge

Ngoại lệ khi nói đến 5G là 5Ge. Nó không phải là 5G NR, mà thực chất cũng không phải là 5G. 5G Evolution là tên tiếp thị mà AT & T đã đặt cho mạng LTE Advanced của mình. Thực chất đây chỉ là chiêu trò của nhà mạng lầm tưởng rằng đây là công nghệ 5G, nhưng thật ra chỉ là 4G với hỗ trợ MIMO và sự hỗ trợ của cáp quang mang đến tốc độ truyền dữ liệu cao hơn 4G thường thấy, nhưng nó thực sự không liên quan gì đến 5G.

5G NSA (Non-standalone)

5G NR hiện đang hoạt động không độc lập, có nghĩa là 5G hiện tại đang phụ thuộc vào sự tồn tại của 4G để có thể sử dụng bình thường. Một số thông tin của 4G sẽ được sử dụng để kết nối thiết bị đầu cuối với trạm phát sóng.

5G SA (Standalone)

Trái ngược 5G NSA ở trên, 5G SA có thể hoạt động độc lập mà không cần đến sự tồn tại của 4G. Đây sẽ là tương lai của việc triển khai 5G NR, 5G SA giúp việc triển khai 5G đơn giản hơn, tiết kiệm chi phí cũng như mang đến một mạng lưới mạnh mẽ với toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng hoàn toàn mới.

DSS (Dynamic spectrum switching)

Trong giai đoạn chuyển giao từ 4G lên 5G, nhiều nhà mạng buộc phải chia sẻ băng tần 4G cho 5G. Cách tốt nhất để thực hiện điều này ngay bây giờ là DSS hay chuyển đổi phổ động. Với DSS, thiết bị trên trạm phát sóng sẽ thay đổi liên tục mỗi một phần nghìn giây cho từng loại kết nối. Có nghĩa là cũng một trạm phát, 4G và 5G sẽ được hoán đổi liên tục với nhau.Đây cũng là giải pháp được sử dụng phiến ở các giao đoạn chuyển giao giữa 2G lên 3G, 3G lên 4G. Modem X55 mới của Qualcomm cũng được thiết kế để tối ưu với công nghệ này.

RAN (Radio Access Network)

RAN hay Radio Access Network đề cập với thiết bị trung gian giữa thiết bị không dây của bạn (smartphone, tablet...) với mạng internet. Khi kết nối với trạm phát sóng gần nhất, RAN kết nối với bạn thông qua mạng lõi. RAN cung cấp quyền truy cập và điều phối việc quản lý tài nguyên. Một thiết bị có thể kết nối cùng lúc với nhiều hơn 1 RAN. Đây cũng là một thành phần chính của viễn thông không dây và đã phát triển qua các thế hệ mạng di động từ 1G đến thời điểm hiện tại là 5G.

Core network

Core network hay mạng lõi là nơi kết nối của bạn được thực hiện sau khi được định tuyến bởi các thiết bị khác trong trạm phát sóng. Đây có thể là kết nối với mạng phụ như kết nối trong các tòa nhà lớn hay có thể là mạng lớn kết nối toàn thế giới.

Latency (Độ trễ)

Khi một kết nối được bắt đầu giữa thiết bị của bạn và đích đến như một trang web, yêu cầu được gửi đến máy chủ trước khi máy chủ quyết định gửi lại tệp nào. Lượng thời gian này được gọi là độ trễ. Độ trễ phụ thuộc vào rất nhiều biến số, nhưng quan trọng nhất vẫn là trạm phát sóng di động.Độ trễ được đo bằng mili giây, thời gian truyền này ảnh hưởng lớn đến khả năng phản hồi của kết nối. Đây cũng là yếu tố mà người ta kỳ vọng nhiều nhất vào công nghệ 5G chứ không phải là tốc độ. Việc giảm độ trễ có ý nghĩa rất lớn với việc phát triển của trí tuệ nhân tạo. Bởi rất nhiều tác vụ AI cần đến một máy chủ khổng lồ để xử lý, nếu độ trễ đủ thấp bạn có thể tương tác với AI đặt tại máy chủ và nhận phản hồi tức thì.

Bands (băng tần)

Ngay cả các công nghệ không dây cũ hơn như 3G và 4G cũng hoạt động trên các băng tần không dây. Các băng tần này chỉ là những khối tần số dành riêng cho một công ty đã được cấp phép, tại Việt Nam thì cơ quan cấp phép là Bộ Thông tin và Truyền thông.Băng tần cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ truyền dữ liệu, băng tần càng cao sẽ đáp ứng được tốc độ truyền tải càng cao. Nhưng ngược lại, băng tần thấp có thể truyền xa hơn, phủ sóng rộng hơn, băng tần cao có độ phủ sóng hẹp hơn. Đây cũng là lý do mà việc triển khai 5G tốn nhiều chi phí, vì 5G sử dụng băng tần cao, cần số lượng trạm phát sóng dày đặc hơn.

Low-band (băng tần thấp)

Băng tần thấp gồm những tần số ở mức 600MHz, 800Mhz, 900Mhz. Các tín hiệu tần số càng thấp càng ít bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài như từ tường và điều kiện khí quyển, chính vì vậy đây là băng tần lý tưởng để phủ sóng những khu vực rộng lớn, mật độ dân cư thấp như vùng rừng núi.

Sub-6

Sub-6 là băng tần giữa (giữa băng tần thấp và băng tần cao), Sub-6 chỉ những băng tần dưới 6GHz nhưng cao hơn băng tần thấp, bao gồm những băng tần như 2.5Ghz, 3.5Ghz và 3.7-4.2Ghz. Đây là băng tần đang được sử dụng phổ biến để triển khai 5G ở nhiều nơi như châu Á, châu Âu. Nếu như Việt Nam triển khai 5G thì chắc chắn đây cũng là băng tần được sử dụng. Hiện tại băng tần 4G đang được triển khai ở Việt Nam bởi tất cả các nhà mạng là 1.8GHz, nếu muốn triển khai 5G thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải cấp phép cho những băng tần cao hơn.

Millimeter wave hay mmWave

Đây là băng tần lý tưởng cho 5G hay thậm chí là bước chuyển giao cho 6G trong tương lai. Millimeter wave (sóng milimet) có tần số cao trên 24GHz cho tốc độ truyền tải trên 1Gbps. FCC (Ủy ban Truyền thông Liên bang của Mỹ) và Qualcomm gọi đây là mmWave, đây là băng tần đang được một số nhà mạng tại Mỹ như AT & T và Verizon đang được triển khai cho 5G.Mặc dù mang đến ưu điểm tuyệt vời như độ trễ cực thấp, tốc độ truyền dữ liệu cao nhưng việc triển khai trên diện rộng gặp rất nhiều khó khăn. Như đã nói ở trên băng tần càng cao thì độ phủ sóng của mỗi tháp phát sóng càng nhỏ, tức là trên cùng một khu vực sẽ cần nhiều trạm phát sóng hơn so với Sub-6.

MIMO

MIMO viết tắt cho Multiple-input, multiple-output tức nhiều đầu vào, nhiều đầu ra. Công nghệ này đang được sử dụng trên các trạm phát sóng giúp quản lý lưu lượng truy cập lớn. Nó cũng được sử dụng cho các trạm phát sóng LTE Advanced được nâng cấp. Điều này giúp 5G mang lại trải nghiệm mượt mà và nhất quán khi quản lý nhiều kết nối.

Beamforming

Beamforming là công nghệ có thể sử dụng nhiều nguồn tín hiệu để chủ động chuyển sang trạm phát sóng mạnh hơn và nhanh hơn nếu một tín hiệu bị suy giảm. Công nghệ này giúp người dùng đang di chuyển có thể kết nối liên tục với các trạm phát sóng mới mượt mà mà bạn thậm chí không thể nhận ra.

Small cells

Small cells là các trạm phát sóng nhỏ hơn nhiều so với các tháp phát sóng truyền thống. Các trạm phát này có thể được lắp đặt tại các khu vực tòa nhà rộng lớn, trên nóc các tòa nhà cao tầng. Đặc biệt với công nghệ 5G, vùng phủ sóng của các trạm phát bị giới hạn đáng kể thì Small cells sẽ rất quan trọng.
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo