Trang chủTư vấnMáy tính
Máy tính để bàn gồm mấy bộ phận chính?
Máy tính để bàn gồm mấy bộ phận chính?

Máy tính để bàn gồm mấy bộ phận chính?

Máy tính để bàn gồm mấy bộ phận chính?

Bookgrinder , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Bookgrinder
Ngày đăng: 10/11/2022-Cập nhật: 06/01/2025
gg news

Máy tính để bàn gồm có mấy bộ phận chính? Tên gọi của chúng là gì? Tác dụng của từng món ra sao? Bài viết này của Sforum sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

Nếu bạn đang có dự định tự build PC máy tính (PC) để sử dụng, nhưng lại chưa rành về máy tính và không biết được một máy tính để bàn gồm những bộ phận chính nào, bài viết này sẽ mang lại đáp án cho câu hỏi đó.

Những bộ phận không thể thiếu trên máy tính

Đầu tiên, để trả lời câu hỏi máy tính để bàn gồm mấy bộ phận chính thì Sforum xin liệt kê ra 5 món đồ nhất định phải có:

CPU


Central Processing Unit – đơn vị xử lý trung tâm – hay được viết tắt là CPU là 'bộ não' của máy tính. Nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng, và máy tính không thể hoạt động nếu thiếu đi món đồ này.

Mainboard

Còn được gọi là bo mạch chủ, đây cũng là một linh kiện không thể thiếu trong một máy tính để bàn. Nó là nền tảng để người dùng lắp các linh kiện khác lên (như CPU, RAM, card đồ họa, ổ cứng,…) và chịu trách nhiệm điều hành các linh kiện này để phục vụ người dùng.

RAM


Khi nói tới bộ nhớ của máy tính tức là nói tới RAM. Chúng có rất nhiều mức dung lượng, tốc độ và chuẩn khác nhau nhưng tất cả đều được gắn lên các khe RAM trên mainboard. Để tối ưu tốc độ RAM máy tính PC, người ta thường lắp 2 thanh vào khe 1-3 hoặc 2-4 nhằm kích hoạt chế độ kênh đôi. Không có sự bó buộc về dung lượng RAM, người dùng có thể thoải mái lắp nhiều hay ít tùy túi tiền và nhu cầu.

Ổ cứng

Món linh kiện này được dùng để lưu trữ dữ liệu, chẳng hạn phần mềm, hình ảnh, phim, âm nhạc,… nói tóm lại là bất kỳ thứ gì bạn muốn giữ lâu dài thì đều nằm trên ổ cứng. Nó cũng chứa cả hệ điều hành, thứ cho máy tính biết phải làm gì và làm như thế nào. Hiện tại có hai dạng là ổ HDD và ổ SSD, với ưu và nhược điểm riêng. Ngay cả những máy tính 'không có ổ cứng' ngoài tiệm net thật ra cũng phụ thuộc vào một ổ cứng mạng mới chạy được.

Nguồn

Là một thiết bị điện tử, máy tính nhất định phải được cấp điện. Thứ đóng vai trò này chính là bộ nguồn (PSU), với hàng loạt sợi cáp dẫn tới các linh kiện khác nhau trên máy như ổ cứng, mainboard, card đồ họa,… Đây là thiết bị rất quan trọng bởi nếu nguồn không đủ công suất thì máy sẽ chập chờn hoặc thậm chí là hỏng hóc, cháy nổ.

Những linh kiện không nhất định phải có

Bên trên, chúng ta đã trả lời một nửa câu hỏi 'máy tính để bàn gồm những bộ phận chính nào' bằng cách liệt kê các linh kiện không thể thiếu. Bây giờ, cùng Sforum tìm hiểu về những linh kiện không nhất định cần thiết nhưng nếu có thì tuyệt vời nhé!

Thùng máy

Còn được gọi là case, món linh kiện này không quá quan trọng và thường chỉ đóng vai trò là bộ khung để lắp các linh kiện máy tính để bàn. Có một vài chuẩn thùng máy khác nhau, chủ yếu là về kích thước. Tuy nhiên dù cùng một chuẩn, thùng máy cũng có thể có kích thước và hình dáng khác nhau tùy vào nhà sản xuất. Một số người dùng workbench thay vì thùng máy, nhưng nếu bạn chưa hiểu biết nhiều về PC thì thùng máy là lựa chọn tốt hơn.

Card âm thanh

Khi cần xử lý âm thanh chuyên nghiệp hoặc đơn giản là muốn có được âm sắc tốt hơn, người dùng PC sẽ muốn có món đồ này trong thùng máy của mình. Nó là những linh kiện chuyên dụng cho mục đích xử lý âm thanh, nhưng thường thì bo mạch chủ luôn có sẵn tính năng này dù không tốt bằng.

Card đồ họa


Cũng như card âm thanh, card đồ họa là một trong những bộ phận của máy tính để bàn nhưng không nhất thiết phải có. Nhiều hãng sản xuất bo mạch chủ tích hợp sẵn chip xử lý đồ họa, và không ít CPU cũng có sẵn một con chip như vậy. Các con chip này tất nhiên là không thể so sánh được với các VGA rời tầm trung trở lên nhưng hoàn toàn đủ nếu bạn chỉ xem phim, nghe nhạc. Nếu chơi game nặng hay cần làm việc với đồ họa, bạn mới thực sự cần linh kiện này.

Loa, headphone, headset

Đây là các thiết bị phát ra âm thanh để giúp trải nghiệm của bạn với dàn máy tính của mình được thú vị hơn. Nhiều màn hình ngày nay có sẵn loa nên không phải lúc nào bạn cũng cần phải mua các bộ phận này.

Webcam

Để giao tiếp với người khác và chia sẻ hình ảnh của mình, bạn cần webcam – một camera nhỏ, chất lượng vừa đủ thường được gắn trước mặt người sử dụng. Tuy nhiên ngày nay các ứng dụng gọi điện thoại trên di động đã quá phổ biến nên webcam không còn cần thiết nữa.

Micro

Nếu muốn nói chuyện với người khác thông qua máy tính, bạn cần một thiết bị thu nhận âm thanh và đó chính là micro. Nếu không có nhu cầu này thì tất nhiên là bạn không cần micro rồi. Các bộ headset có tích hợp sẵn micro nên rất ít khi bạn cần mua riêng. Thường chỉ có các streamer mới thực sự cần micro.

Tản nhiệt nước

Các linh kiện tỏa nhiều nhiệt trên máy tính (CPU, card đồ họa) thường có sẵn tản nhiệt, nhưng người dùng muốn máy chạy mát hơn sẽ lắp thêm tản nhiệt bằng chất lỏng. Chúng thường được gọi chung là tản nhiệt nước, nhưng không dùng nước mà dùng các loại dung dịch không dẫn điện, có khả năng truyền nhiệt tốt.

Các thiết bị ngoại vi nên có

Chúng được gọi chung là 'ngoại vi' bởi nó nằm bên ngoài thùng máy, chứ không nằm ngay bên trong. Một vài thiết bị mà Sforum đã nhắc đến bên trên cũng là thiết bị ngoại vi: webcam, loa, tai nghe, micro. Hai linh kiện dưới đây cũng là ngoại vi, nhưng bạn nhất thiết nên có chúng để việc dùng máy tính được tốt hơn:

Chuột

Là thiết bị cho phép bạn sử dụng máy tính một cách thuận tiện và chính xác thông qua con trỏ chuột. Giá cả của nó rất đa dạng, từ vài chục ngàn đồng đến 5-6 triệu đồng. Có rất nhiều mẫu mã, thiết kế, kích thước, công nghệ khác nhau.

Bàn phím

Cũng như chuột, bàn phím là thiết bị giúp bạn điều khiển máy tính dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nó cũng là công cụ để nhập các ký tự, ngôn ngữ, câu lệnh,… Dù bạn có thể xài máy tính bằng bàn phím ảo trên màn hình, bàn phím thật ngay trước mặt luôn là giải pháp tốt hơn.

Màn hình

Đây là bộ phận thường bị những ai không rành công nghệ nghĩ rằng là máy tính, nhưng thật ra nó chỉ là thiết bị để hiển thị hình ảnh do máy tính thực thụ tạo ra. Ngày nay, các màn hình LCD đã chiếm lĩnh thị trường nhờ ưu điểm mỏng, nhẹ của mình, nhưng màn hình CRT cũ vẫn còn được sử dụng đây đó. Ngoài ra còn có màn hình cảm ứng nhưng đắt tiền và ít khi được chọn mua.

Máy tính có thể hoạt động nếu thiếu ổ cứng không?

Máy tính để bàn không thể hoạt động một cách bình thường nếu thiếu ổ cứng, vì đây là nơi chứa hệ điều hành và toàn bộ phần mềm cần thiết để máy khởi động và hoạt động. Khi bạn bật máy tính, hệ thống sẽ tìm kiếm hệ điều hành trên ổ cứng để tải lên. Nếu không có ổ cứng, máy tính chỉ có thể bật nguồn và hiển thị giao diện BIOS, nhưng không thể truy cập vào bất kỳ ứng dụng hoặc dữ liệu nào. Điều này giống như việc bạn có một chiếc xe nhưng không có động cơ – nó không thể vận hành dù có các bộ phận khác.

Trong một số trường hợp, bạn có thể sử dụng các thiết bị lưu trữ thay thế như USB hoặc ổ cứng ngoài để khởi động tạm thời, nhưng điều này không lý tưởng cho việc sử dụng lâu dài. Ổ cứng không chỉ cần thiết để cài đặt hệ điều hành mà còn để lưu trữ dữ liệu quan trọng, phần mềm và các tập tin cá nhân. Do đó, ổ cứng là một linh kiện quan trọng, không thể thiếu trong một hệ thống máy tính hoàn chỉnh.

Làm sao để biết máy tính cần thêm thiết bị nào?

Để biết máy tính cần thêm thiết bị gì, bạn cần xác định rõ nhu cầu sử dụng và quan sát hiệu năng hiện tại của máy. Nếu bạn cảm thấy máy chạy chậm, thường xuyên gặp tình trạng đơ hoặc tải lâu, điều này có thể cho thấy RAM không đủ để xử lý đa nhiệm hoặc ổ cứng HDD không đáp ứng được tốc độ truy cập dữ liệu. Trong trường hợp này, nâng cấp RAM hoặc chuyển sang ổ cứng SSD là lựa chọn hiệu quả để tăng tốc độ máy.

Nếu bạn đang sử dụng máy tính cho các công việc nặng về đồ họa như chỉnh sửa video, thiết kế 3D, hoặc chơi game, nhưng hình ảnh bị giật, lag, hoặc không hiển thị đẹp, có thể máy đang thiếu một card đồ họa mạnh mẽ hơn. Một dấu hiệu khác là nếu bạn thấy máy bị nóng quá mức hoặc phát ra tiếng ồn lớn, hệ thống làm mát có thể cần được cải thiện.

Để đánh giá chính xác hơn, bạn có thể sử dụng phần mềm kiểm tra hiệu năng như CPU-Z hoặc CrystalDiskInfo để xem các linh kiện hiện tại có hoạt động tốt không. Nếu bạn không rành về phần cứng, việc nhờ một chuyên gia hoặc kỹ thuật viên kiểm tra và tư vấn sẽ giúp đảm bảo máy được nâng cấp đúng cách.

Máy tính để bàn có cần các thiết bị ngoại vi để hoạt động không?

Về lý thuyết, máy tính để bàn có thể bật nguồn mà không cần thiết bị ngoại vi, nhưng thực tế, các thiết bị này là phần không thể thiếu để bạn tương tác với máy. Màn hình là nơi hiển thị toàn bộ thông tin và giao diện làm việc, từ các biểu tượng phần mềm đến văn bản hoặc hình ảnh bạn thao tác. Không có màn hình, bạn không thể biết máy đang hoạt động như thế nào.

Tương tự, bàn phím và chuột là công cụ chính để điều khiển máy tính. Bàn phím giúp bạn nhập văn bản, thực hiện các lệnh, còn chuột giúp bạn di chuyển và chọn các biểu tượng, mở phần mềm hoặc làm việc với các công cụ. Nếu không có chúng, việc sử dụng máy tính trở nên bất khả thi, dù máy vẫn có thể khởi động được.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, các thiết bị như loa, tai nghe, webcam cũng đóng vai trò quan trọng, tùy thuộc vào nhu cầu làm việc hay giải trí của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn tham gia các cuộc họp trực tuyến, webcam và micro sẽ cần thiết để bạn giao tiếp hiệu quả.

Những linh kiện nào có thể nâng cấp để cải thiện hiệu năng máy tính?

Cải thiện hiệu năng máy tính thường bắt đầu từ việc nâng cấp các linh kiện quan trọng. Đầu tiên, nếu bạn thấy máy tính chạy chậm, đặc biệt khi mở nhiều ứng dụng cùng lúc, thì việc thêm hoặc nâng cấp RAM sẽ giúp tăng khả năng xử lý đa nhiệm. RAM càng lớn, máy tính càng dễ dàng xử lý nhiều tác vụ mà không bị giật hoặc đơ.

Nếu máy khởi động chậm hoặc mất nhiều thời gian để mở tệp và ứng dụng, nâng cấp từ ổ cứng HDD truyền thống sang ổ SSD sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể. SSD giúp tăng tốc độ truy cập dữ liệu và rút ngắn thời gian khởi động, mang lại trải nghiệm mượt mà hơn.

Đối với các công việc đòi hỏi xử lý đồ họa nặng, như thiết kế, chỉnh sửa video hoặc chơi game, nâng cấp card đồ họa sẽ giúp tăng cường khả năng hiển thị hình ảnh sắc nét, mượt mà hơn. Một CPU mạnh hơn cũng rất cần thiết nếu bạn muốn tăng tốc độ xử lý các tác vụ phức tạp, nhưng việc này đòi hỏi bạn phải kiểm tra xem bo mạch chủ có hỗ trợ CPU mới hay không.

Cuối cùng, nếu hệ thống quá nóng hoặc hoạt động không ổn định, bạn nên cân nhắc nâng cấp hệ thống tản nhiệt để đảm bảo các linh kiện không bị quá tải. Điều này không chỉ cải thiện hiệu năng mà còn kéo dài tuổi thọ của máy tính.

Như vậy, Sforum đã trả lời câu hỏi máy tính để bàn gồm có mấy bộ phận chính. Những thông tin trong bài viết này chắc hẳn đã giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về loại công cụ học tập, làm việc và giải trí cực hữu ích này. Chúc bạn thành công chọn lựa một dàn máy phù hợp cho mình và đừng quên sử dụng tính năng build PC của CellphoneS để nhận nhiều khuyến mãi nhé!

[Product_Listing categoryid='934' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/may-tinh-de-ban/pc-gaming.html' title='Danh sách PC Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Game thủ nghiêm túc, mong muốn chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, và đam mê của tôi với mọi người qua những bài viết và video về trò chơi trực tuyến hot nhất của tôi.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo