PC thay được card đồ hoạ rời vậy laptop có thay được hay không?

PC thay được card đồ hoạ rời vậy laptop có thay được hay không?

Thế giới đồ hoạ ngày càng được nâng cấp, từ đồ hoạ media cho đến đồ hoạ trong game. Mọi thứ đều được lên tầm cao mới trừ card đồ hoạ trong laptop của bạn. Mang danh card đồ hoạ rời nhưng chẳng thay thế dễ dàng như trên PC được.

Ngay cả CPU còn không thể thay thế được huống hồ chi GPU vốn sẽ chiếm nhiều diện tích hơn. Việc thay đổi card đồ hoạ trực tiếp trên bo mạch laptop là điều không thể ở thời điểm hiện tại.

Tại sao không thể thay được GPU laptop?


Đối với GPU, đây là bộ phận cần một kết nối nhiều băng thông và không bị gián đoạn kết nối. Vì thế, mặc dù gọi là 'card rời' nhưng để đảm bảo tốc độ cũng như băng thông của card màn hình được ổn định thì việc hàn chết vào bo mạch của laptop là điều bắt buộc. Hơn nữa, để đảm bảo tính gọn nhẹ của laptop thì không thể nào các nhà sản xuất lại làm bo mạch có thể thay thế card đồ hoạ hay thay thế CPU được, vì nếu làm vậy thì sẽ 'độn' độ dày của bo mạch, chưa kể nếu lắp cả tản nhiệt thì còn dày hơn.

 

Tuy nhiên không phải không có cách để thay GPU trên main laptop. Từ rất lâu đã có khái niệm 'đóng chip' áp dụng cho cả CPU và GPU trên các thiết bị máy tính xách tay. Đóng chip là hình thức khò nhiệt để có thể tháo GPU trên laptop. Đây được xem là cách duy nhất để tháo những con chip được hàn trên main ra. Sau khi đã tháo thì thợ sẽ dùng card đồ hoạ khác đời cao hơn để hàn lại trên bo mạch. Một cách hiếm hoi để thay đổi các card đồ hoạ rời trên laptop nhưng đổi lại tỷ lệ hỏng rất cao, hầu như xài một thời gian các mối hàn sẽ bị lỏng rồi mainboard sẽ đi tong.

 

Thực tế, một vài dòng laptop cũ trước đây vẫn có thể thay đổi được card màn hình máy tính, thường là các dòng máy workstation chuyên về thiết kế đồ họa với kích thước và trọng lượng 'khổng lồ'. Vài cái tên có thể kể đến như Dell Precision 7710, Lenovo Thinkpad P1, HP Elitebook 8570P,... chúng đều hỗ trợ thay thế card màn hình và chủ yếu sử dụng dòng card Nvidia Quadro, chỉ cần tìm được linh kiện laptop thay thế tương thích với thiết bị.

Cũng cần lưu ý rằng, khi một chiếc máy tính mới được sản xuất, hãng đã tính toán rất kỹ để đồng bộ giữa VGA, CPU, hệ thống tản nhiệt cũng như tối ưu hiệu suất làm việc của máy. Nếu cố tình nâng cấp card đồ họa sang thế hệ cao hơn mà quạt tản nhiệt không đáp ứng nổi thì trong quá trình sử dụng laptop sẽ chạy rất nóng, đặc biệt khi xử lý các tác vụ nặng, về lâu dài dễ gây hư hỏng đến các linh kiện khác. Vì vậy, trong trường hợp cần nâng cấp sức mạnh cho máy, thay vì cố gắng thay card đồ họa, người ta thường mua luôn máy mới sẽ giải quyết vấn đề triệt để hơn.

Một số cách khác để bạn nâng cấp lên card rời cho laptop

Cách đóng chip đã bị 'thất sủng' và từ lâu đã không còn được nhiều người dùng lựa chọn bởi họ không muốn phải sớm đổi máy. Ngoài việc thay card đồ hoạ trực tiếp trên bo mạch, bạn có thể 'độ' GPU bằng cách lắp thêm một GPU khác bên ngoài, gọi là eGPU (external GPU). Cách này giúp bạn gắn cả card đồ hoạ của PC vào laptop mà không sợ hại cho máy.


Để lắp eGPU thì có 2 cách chính: Sử dụng eGPU rời làm sẵn từ các nhà sản xuất hoặc tự chế eGPU. Các eGPU là các vỏ chứa card đồ hoạ được làm sẵn đến từ các nhà sản xuất như Blackmagic, Sonnet,... để kết nối với laptop thông qua cổng Thunderbolt 3 hoặc 4, đến cả MacBook cũng có thể sử dụng các loại eGPU gắn ngoài ngon lành, trừ dòng MacBook chạy chip ARM.

 

 

Nếu như laptop của bạn không có cổng chuẩn Thunderbolt thì có lẽ bạn phải sử dụng eGPU thông qua Express Card, nếu máy bạn không hỗ trợ Express Card thì buộc lòng phải sử dụng cổng Mini PCI-E bên trong laptop. Nhưng nếu dùng cổng Mini PCI-E trong laptop thì máy sẽ phải hi sinh khả năng kết nối Wi-Fi do cổng này dùng để lắp card Wi-Fi cho máy.

Vậy có nên dùng GPU gắn ngoài cho laptop?

Theo quan điểm cá nhân, chỉ nên gắn các loại card đồ hoạ rời cho laptop nếu như máy bạn có hỗ trợ cổng Thunderbolt để kết nối các eGPU được làm sẵn. Các eGPU được làm từ hãng bảo đảm hơn về việc tương thích với laptop thông qua driver mà các nhà sản xuất đã định sẵn, đồng thời nguồn cấp cho eGPU cũng ổn định. Các hãng cũng đã thiết kế sao cho bộ eGPU rời vừa đẹp, vừa gọn để bạn tiện mang đi dễ dàng.

Không nên sử dụng eGPU 'độ' nếu như bạn không có kiến thức bởi phải cần rất nhiều công sức tuỳ biến, chỉnh sửa để có thể tối ưu hoàn toàn được card đồ hoạ gắn ngoài. Cổng Express Card hầu như đã tuyệt chủng nên phần lớn các laptop sử dụng bộ eGPU tự làm sẽ mất cả khả năng kết nối Wi-Fi trên laptop do phải sử dụng cổng Mini PCI-E. Ngoài việc mất công tuỳ biến thì bộ eGPU tự làm còn làm mất đi tính di động của laptop, phải kết nối cho eGPU bộ nguồn riêng, gắn card không chắc chắn nên sẽ không bảo đảm được khả năng di chuyển. Hơn nữa việc kết nối qua cổng Mini PCI-E còn khiến cho laptop bị 'hở sườn', bụi rất dễ lọt vào, muốn xách ra đường cũng khó.

Tạm kết

Chung quy lại, laptop không thể nâng cấp card đồ hoạ rời bằng cách tháo lắp như trên PC. Thay vào đó phải sử dụng những cách làm hại đến máy hoặc eGPU từ các nhà sản xuất. Nếu bạn chịu đầu tư, hãy nên sắm một bộ PC với card đồ hoạ rời mạnh mẽ, còn laptop thì để dùng trong phạm vi sức mạnh của chúng vì rất khó nâng cấp, mà nâng cấp gắn 'đồ chơi' vào rồi thì chúng không còn là laptop nữa.

Danh sách Laptop Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS

Xem tất cả

Nội dung liên quan