Trang chủThị trường
Tại sao Trung Quốc cấm cửa Google, Facebook nhưng chưa thể "bỏ” máy tính Windows?
Tại sao Trung Quốc cấm cửa Google, Facebook nhưng chưa thể "bỏ” máy tính Windows?

Tại sao Trung Quốc cấm cửa Google, Facebook nhưng chưa thể "bỏ” máy tính Windows?

Tại sao Trung Quốc cấm cửa Google, Facebook nhưng chưa thể "bỏ” máy tính Windows?

Đức Bùi Minh
Ngày đăng: 24/06/2024-Cập nhật: 24/06/2024
gg news

Quyết tâm “ngăn chặn” mạng xã hội và công nghệ của các công ty phương Tây, thế nhưng Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào hệ điều hành Windows trong hàng chục năm qua.

Trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày một leo thang, tháng 3/2024, chính phủ Trung Quốc đã ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước loại bỏ việc sử dụng các thiết bị dùng chip Intel, AMD hoặc hệ điều hành Windows.

Trong khi việc thay thế thiết bị dùng chip nước ngoài là khá dễ dàng thì việc từ bỏ hệ điều hành Windows lại không hề đơn giản. Theo tờ Rest of World, hệ điều hành của Microsoft là nền tảng không thể thay thế ở thị trường Trung Quốc, bất chấp nền kinh tế tỷ dân đã có sự phát triển vượt bậc về công nghệ.

Thế độc tôn của Windows tại Trung Quốc

Vào ngày 29/5, chi nhánh Microsoft tại Trung Quốc đã công bố hợp tác với Tencent để phát hành danh mục ứng dụng Android của Tencent trên Windows. Là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, Tencent được biết đến là công ty đứng sau WeChat - siêu ứng dụng không thể thiếu ở quốc gia tỷ dân, tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, mua hàng, gọi xe, đặt đồ ăn,... và vô vàn tính năng khác.

Tencent là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc
Tencent là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc

Đây là mô hình mà Elon Musk từng hướng tới khi mua lại Twitter hồi cuối năm 2022, với tham vọng gây dựng một siêu ứng dụng tương tự tại Mỹ. Ngoài ra, Tencent cũng là một trong những công ty game lớn nhất thế giới, hiện đang điều hành dịch vụ âm nhạc trực tuyến phổ biến nhất Trung Quốc QQ Music.

Đưa các ứng dụng Tencent lên máy tính là một ý tưởng hay, nhưng không ít người sẽ ngạc nhiên khi công ty này lại tìm đến Microsoft trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng với Mỹ. Chẳng lẽ Tencent không thể tìm một công ty Trung Quốc để hợp tác hay sao?

Người Trung Quốc đã quen sử dụng máy tính Windows
Người Trung Quốc đã quen sử dụng máy tính Windows

Lý do là bởi tại Trung Quốc, Microsoft đóng vai trò vô cùng quan trọng, trong đó Windows là hệ điều hành không thể thiếu trên máy tính. Rất khó để có số liệu chính xác về tỷ lệ sử dụng các hệ điều hành tại đất nước tỷ dân, nhưng một số nhà phân tích đã ước tính thị phần của Microsoft lên tới 80%, chủ yếu dùng trong văn phòng và các ngành công nghiệp.

Dù liên tục tăng trưởng và thống trị mảng thiết bị di động, rất ít công ty công nghệ Trung Quốc nghĩ đến việc thách thức Microsoft trong lĩnh vực máy tính, khiến Microsoft không phải đối mặt với mối đe dọa lớn nào. Ở Trung Quốc, khi bạn tạo ra một sản phẩm cho máy tính, sản phẩm đó phải dành cho Windows.

Đây là một tình cảnh khá trớ trêu khi Trung Quốc từ trước đến nay luôn tỏ ra độc lập, không muốn phụ thuộc vào các công ty công nghệ phương Tây. Năm ngoái, Bắc Kinh thậm chí còn phát hành một hệ điều hành mã nguồn mở có tên OpenKylin với mục đích rõ ràng là giảm sự phụ thuộc vào Windows.

Windows sở hữu kho ứng dụng phong phú
Windows sở hữu kho ứng dụng phong phú

Nhưng tính đến hiện tại, OpenKylin thậm chí còn kém phổ biến hơn Linux, vì thế Windows vẫn là lựa chọn không thể tránh khỏi. Khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cấm chip AMD và Intel vào tháng 12 năm ngoái, họ chỉ "không khuyến khích" sử dụng Windows. Dù đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, các cơ quan chính phủ vẫn được "thả lỏng phần nào" để sử dụng hệ điều hành của Microsoft, một nguồn tin nói với tờ Financial Times.

Trên thực tế, các cơ quan quản lý của cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rõ điều này. Thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới rất sâu rộng và không thể vội vàng cắt đứt. Họ chỉ cấm những thứ không gây ra khủng hoảng và từng bước gỡ bỏ phần còn lại.

Trong một số trường hợp, việc gỡ bỏ có thể diễn ra rất chậm. Mỹ sẽ áp thuế cao với tấm pin mặt trời và xe điện, nhưng bỏ qua máy tính xách tay và điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất, vì Mỹ hiểu rằng có thể mất hàng thập kỷ để xây dựng chuỗi cung ứng thay thế. Nếu Microsoft may mắn, hãng có thể rơi vào vị trí tương tự và tồn tại lâu hơn các đối thủ nhờ quá trình này.

Giấc mơ hệ điều hành nội địa còn dang dở

Dù đã nỗ lực hàng chục năm, Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được hệ điều hành nội địa đủ tốt để thay thế Windows. Không riêng gì Trung Quốc, hàng loạt quốc gia từ Nga, Đức cho đến Hàn Quốc đều đã cố gắng phát triển hệ điều hành của riêng mình, nhưng đến nay vẫn chưa có nước nào thành công.

Xây dựng hệ điều hành riêng là một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất và kéo dài nhất ở Trung Quốc. Nó đã bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng hệ điều hành Unix và cố gắng phát triển hệ điều hành mới dựa trên Unix. Dự án này được chính thức phê duyệt như một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch 5 năm vào năm 1992 của Trung Quốc. Thế nhưng 3 thập kỷ trôi qua, Trung Quốc vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã phát triển hơn 20 hệ điều hành, một số được cài đặt trên máy tính của quân đội và cơ quan chính phủ, vốn yêu cầu tính bảo mật cao. Tuy nhiên, không có cái tên nào trong số đó tạo được tiếng vang lớn trên thị trường tiêu dùng.

Hệ điều hành OpenKylin do Trung Quốc tự phát triển
Hệ điều hành OpenKylin do Trung Quốc tự phát triển

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính gây ra thất bại nằm ở việc Trung Quốc không có hệ sinh thái phát triển hệ điều hành, khiến nhiều nhà phát triển từ chối vận hành trên hệ điều hành nội địa mới. Qin Peng, cựu chuyên gia CNTT Trung Quốc thừa nhận: "Những hệ thống này chưa bao giờ được lượng lớn các nhà phát triển phần mềm chấp nhận".

Các nhà phát triển thường chọn những dự án có lợi về thời gian và tiền bạc, và hầu hết đều dựa trên lượng người dùng lớn. "Các công ty Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được một thư viện các ứng dụng hàng đầu, vì chính họ còn phải dựa vào Microsoft và Google", Qin nói.

Hậu quả là sản phẩm mới ra đời không được thử nghiệm và sử dụng rộng rãi, không được cập nhật vá lỗi và không được nhiều người tin dùng, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

LiuXinhuan, tổng giám đốc của Tongxin Software, một trong những nhà sản xuất hệ điều hành lớn của Trung Quốc, thậm chí cho rằng Trung Quốc phải mất tới 10 năm mới có thể phát triển một hệ sinh thái hệ điều hành đủ lớn để có thể cạnh tranh với Mỹ.

Hi vọng mới đặt vào HarmonyOS

Hiện nay, hệ điều hành HarmonyOS đang được Huawei đầu tư phát triển để thay thế Windows trên các máy tính của công ty. Với việc Mỹ gần đây thông qua quy định cấm Intel, Qualcomm xuất khẩu chip cho Huawei, công ty Trung Quốc càng có lý do để từ bỏ Windows và chuyển sang hệ điều hành “cây nhà lá vườn”.

Hệ điều hành HarmonyOS của Huawei
Hệ điều hành HarmonyOS của Huawei

HarmonyOS được Huawei xây dựng như hệ điều hành duy nhất cho tất cả các sản phẩm của hãng, hiện đã có mặt trên điện thoại, máy tính bảng và một số mẫu tai nghe, thiết bị gia dụng bên thứ ba. Với phiên bản HarmonyOS NEXT sắp tới, Huawei hứa hẹn các máy tính xách tay cũng có thể sử dụng hệ điều hành này.

Tuy nhiên, liệu HarmonyOS trên máy tính có được người dùng đón nhận hay không phụ thuộc rất nhiều vào số lượng ứng dụng “native” mà Huawei có thể đưa lên máy tính. Nếu giải quyết được bài toán này, tương lai Trung Quốc có một hệ điều hành đủ tốt để thay thế Windows có lẽ sẽ không còn xa.

Xem thêm:

CellphoneS đang bán nhiều laptop Windows cấu hình mạnh với khuyến mãi hấp dẫn, các bạn cùng tham khảo bên dưới nhé!

[Product_Listing categoryid="933" propertyid="" customlink="https://cellphones.com.vn/laptop/gaming.html" title="Danh sách Laptop Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS"]

Mình yêu thích tìm hiểu công nghệ, đặc biệt là smartphone. Luôn đem đến cho anh em những bài viết chất lượng nhất!