Trang chủThị trường
Trúng số 100 triệu, mua Mac Studio + Studio Display hay build một dàn PC khủng?
Trúng số 100 triệu, mua Mac Studio + Studio Display hay build một dàn PC khủng?

Trúng số 100 triệu, mua Mac Studio + Studio Display hay build một dàn PC khủng?

Trúng số 100 triệu, mua Mac Studio + Studio Display hay build một dàn PC khủng?

Tiz , Tác giả Sforum - Trang tin công nghệ mới nhất
Tiz
Ngày đăng: 18/03/2022-Cập nhật: 26/03/2025
gg news
100 triệu là số tiền tối thiểu để bạn có thể sắm được bộ đôi sang chảnh Mac Studio + Studio Display mới được Apple ra mắt cách đây không lâu. Nếu mang 100 triệu đó đi build một dàn PC thì bạn sẽ được một bộ máy khủng cỡ nào?

Vì Mac Studio + Studio Display sẽ hướng đến nhu cầu đồ họa, dựng phim là chính nên mình sẽ thử đi build một dàn PC theo hướng này để xem chúng ta có gì.

Thử xây dựng cấu hình trăm triệu

Sau khi tham khảo một vòng giá thị trường thì mình quyết định xây dựng tạm một cấu hình như sau, tổng chi phí khoảng 78 triệu đồng, nhưng nếu khéo chọn và mua cùng tại một nơi để hưởng khuyến mãi, khả năng cao tổng chi phí chỉ khoảng 75 - 76 triệu cho phần case, chuột và bàn phím. Còn dư khoảng 25 triệu tí nữa chúng ta sẽ chọn màn hình sau.

Như vậy với một bộ máy khoảng 75 triệu chúng ta có gì:

  • CPU Intel Core i9-12900K kèm mainboard Z690 Wi-Fi, tản nước AiO
  • GPU RTX 3070 Ti 8GB
  • 64GB RAM DDR4 (nếu chọn DDR5 thì sẽ tốn thêm kha khá tiền RAM lẫn main)
  • 1TB SSD PCIe Gen4
  • Bàn phím cơ, chuột xịn
  • Windows 10 Home bản quyền
  • Wi-Fi 6 + Bluetooth 5.2

Với cấu hình này, máy vẫn dư tới 2 slot RAM để có thể nâng lên 128GB nếu muốn. Khả năng nâng cấp lưu trữ thì rất thoải mái, mainboard mình chọn có tới 4 khe PCIe 4.0 x4 hỗ trợ RAID 0/1/5 cùng với 4 cổng SATA hỗ trợ RAID 0/1/5/10. Như vậy chúng ta còn có thể nâng cấp về sau cũng như cấu hình RAID để tăng tốc độ hoặc an toàn dữ liệu tùy thuộc vào nhu cầu.

Chưa kể, các linh kiện chúng ta build PC đều được bảo hành khá dài, những thành phần mắc tiền đều có thời hạn bảo hành 3 năm. Trong khi đó, mặc định các thiết bị của Apple chỉ có 1 năm, nếu muốn lên 3 năm chúng ta phải bỏ thêm tiền để mua AppleCare. Việc hư hỏng linh kiện sau 3 năm sử dụng với dàn PC chắc chắn dễ thay thế và chi phí rẻ hơn vì mọi thứ đều riêng.


Còn Mac Studio với chip M1 Max chỉ cần hỏng một thành phần như RAM, CPU, GPU hoặc chip nhớ thì coi như hỏng tất! Các thiết bị như Mac Studio theo kinh nghiệm của mình thì thường có độ bền tốt, nhưng rủi ro là vẫn có thể xảy ra. Còn với màn hình, chỉ cần một chút tác động ngoại lực là có thể dẫn đến hư hỏng và bạn phải chấp nhận rủi ro đó.

Chọn màn hình

Giả sử kinh phí không quá eo hẹp và có thể cân đối, chúng ta sẽ dự trù chi phí khoảng 20 - 30 triệu đồng riêng cho phần màn hình để đảm bảo kiếm được một chiếc màn có màu sắc chính xác để làm đồ họa.


Trong tầm này, chúng ta có thể lựa chọn một chiếc màn LG 27 Inch UltraFine 5K, màn hình này thì giống hệt với màn của iMac 5K trước đây và có thông số gần gần giống với chiếc màn gần 50 triệu mới ra mắt của Apple, chỉ thua một chút về độ sáng, chất lượng webcam, chip tích hợp các thứ mà thôi.

LG 27 Inch UltraFine 5K


Nếu không thực sự cần đến 5K, bạn có thể dễ dàng kiếm được một chiếc màn hình 32 inch 4K, 100% sRGB, 10 bit (8 + 2), △E<2 như Asus PA329CV, Dell U32, HP Z32,.... Đó là với những ai thực sự muốn có một màn hình màu sắc chính xác và chuyên nghiệp. Bạn nào làm các công việc về dựng phim có lẽ sẽ thích không gian rộng rãi hơn, khi đó chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn 2 chiếc màn hình 27 inch 4K, sắm thêm cái Arm đôi gắn màn hình giúp tiết kiệm không gian.

HP Z32 32 inch 4K

Khi mua hầu hết các loại màn hình không phải của Apple, chúng ta không cần phải đau đầu liệu nên mua bản có chân, bản không chân (để xài Arm), bản chân nâng hạ,... Vì hầu hết tất cả các màn hình đồ họa chuyên nghiệp đề có chân đến linh hoạt, nâng hạ thoải mái, xoay ngang xoay dọc tùy thích và tất nhiên sẵn ngàm VESA để ai thích treo thì treo.

So sánh về hiệu năng và trải nghiệm sử dụng


Dẫu biết việc so sánh một dàn máy Windows với CPU Intel và GPU NVIDIA với một chiếc máy sử dụng Apple Silicon nó có nhiều bất cập. Ví dụ như Apple đã tối ưu CPU của mình để xử lý các luồng video ProRes, có thêm AI mạnh mẽ cho nhiều tính năng hay ho, có Final Cut tối ưu tài nguyên cho dựng phim. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể so sánh hiệu năng thuần, thứ ít nhiều phản ánh được khả năng đáp ứng trong điều kiện hỗn hợp.

Đầu tiên chúng ta thử so sánh Intel Core i9-12900K với con chip Apple M1 Max (vì 100 triệu mua cả màn hình nên chúng ta chỉ có M1 Max chứ không có M1 Ultra).

Theo dữ liệu từ Geekbench 5 thì M1 Max sẽ ghi được khoảng 1,700 - 1,800 điểm đơn nhân và khoảng 12,500 điểm đa nhân. Trong khi đó Intel Core i9-12900K ghi được tới khoảng 2,000 - 2,100 điểm đơn nhân và 18,000 - 20,000 điểm đa nhân. Cách biệt là khá lớn ở cả hai hạng mục và rõ ràng Intel Core i9-12900K (16 nhân - 24 luồng) mạnh hơn nhiều so với con chip M1 Ultra (10 nhân).

 

 

Tiếp tục với khả năng đồ họa, cũng dựa trên nền tảng Geekbench, GPU 32 nhân củaApple M1 Max ghi được khoảng 60,000 điểm OpenCL (bản này mắc hơn bản base 24 GPU $200). Trong khi đó NVIDIA GeForce RTX 3070 Ti dễ dàng đạt được khoảng 150,000 điểm trong OpenCL.

Về hiệu năng đồ họa lý thuyết, M1‌ Max 24-core có sức mạnh khoảng 7.8 teraflops trong khi bản 32-core là 10.4 teraflops. RTX 3070 Ti có hiệu năng lý thuyết đạt tới 21.75 teraflops.

Bên cạnh đó, dung lượng RAM trong bộ máy mình xây dựng đã có sẵn 64GB RAM, gấp đôi bản base của Mac Studio, đã vậy còn trống 2 khe RAM có thể nâng cấp tối đa thêm 64GB nữa. Những tác vụ như dựng phim, animation,... cần nhiều RAM thì rõ ràng giải pháp này hợp lý hơn.

Tất nhiên, vẫn có những cái mà khi bạn sử dụng Windows sẽ luôn phải ghen tị với macOS dù bộ PC của bạn có trị giá đến hàng tỷ. Cái đầu tiên dễ thấy nhất là về mặt hiển thị, mọi thứ trên macOS cho độ sắc nét, mượt mà tốt hơn hẳn, đặc biệt là chữ viết. Dù bạn có sử dụng màn hình độ phân giải cao đến mấy cho Windows thì các nét chữ vẫn có cảm giác gai gai, không thể đẹp như khi hiển thị bên Mac. Tiếp đến là độ ổn định, xài Mac bạn chẳng cần quan tâm mấy đến việc cập nhật Driver này Driver nọ, rất hiếm khi văng ứng dụng khi đang làm việc và cũng hiếm khi treo máy như một chiếc máy Windows.

Apple còn có những phần mềm được tối ưu tuyệt vời cho Mac như Final Cut Pro, Motion,... Những phần mềm này sử dụng trên những con chip M1 thực sự ấn tượng, nó vượt qua giới hạn phần cứng thường thấy cho tốc độ render, độ mượt mà khi edit đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, cộng đồng Adobe tại Việt Nam vẫn chiếm số lượng áp đảo, và mình tin ít có studio chuyên nghiệp nào tại Việt Nam sử dụng Final Cut Pro để biên tập video. Các phần mềm 3D hay kỹ thuật chuyên dụng càng nói không với Mac và đặc biệt là Mac Apple Silicon, thế nên nói về đa năng, cân tất mọi hoàn cảnh thì Intel + NVIDIA đã quá huyền thoại rồi.

Quay lại một chút với màn hình, Apple không khoe nhiều công nghệ hiển thị trên Studio Display nên có thể ngầm hiểu rằng chiếc màn hình này sẽ không hơn nhiều so với LG UltraFine 5K về mặt màu sắc, chất lượng. Tuy vậy không thể phủ nhận màn hình này có thiết kế rất đẹp, có sẵn camera 12MP hỗ trợ tính năng thông minh nhờ con chip A13, có sẵn hệ thống loa và micro chất lượng, đây là những thứ khó tìm thấy được trên những màn hình thông thường.

Tính thẩm mỹ và điện năng tiêu thụ

Thật là thiếu sót nếu nhắc đến các thiết bị Apple mà lại quên nhắc đến tính thẩm mỹ và giá trị tạo cảm hứng làm việc. Không phải tự nhiên mà rất nhiều người dùng chuyên nghiệp trên khắp thế giới yêu thích Mac. Bản thân mình cũng là một người rất thích những sản phẩm của Apple. Những thiết bị của Apple luôn được hoàn thiện một cách vô cùng đồng bộ về phần cứng lẫn phần mềm và luôn cho người dùng một cảm hứng mạnh mẽ để bắt đầu công việc.

Khi đặt một chiếc Mac Studio bên dưới một chiếc màn hình Studio Display, bạn có thể cảm nhận được ngay một không gian làm việc tối giản nhưng tinh tế, sang trọng. Đó là thứ mà một dàn PC không thể có được. Bởi để sở hữu cấu hình khủng như dàn PC mình thử build ở trên, chúng ta cần hệ thống tản nhiệt cực khủng. Bản thân một cục nguồn cấp điện cho toàn hệ thống cũng đã có kích thước ngang ngửa với Mac Studio rồi.

Nói đến nguồn điện thì không thể bỏ qua điện năng tiêu thụ. Apple không công bố chính xác nhưng Mac Studio bản M1 Ultra có điện năng tiêu thụ tối đa là 370W, chia đôi số đó tạm tính ra được lượng điện năng tiêu thị cho bản M1 Max. Trong khi đó, Intel Core i9-12900K chưa cần ép xung đã ăn ~200W điện. RTX 3070 Ti cũng có TDP tới 290W, bởi vậy để cho chắc kèo mình mới trang bị cho dàn PC trên bộ nguồn tới 800W để đảm bảo cấp năng lượng cho toàn hệ thống.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở việc hóa đơn tiền điện, việc ăn điện nhiều và tỏa nhiều nhiệt còn khiến cho bộ PC ồn ảo hơn khi tải nặng, về yếu tố này thì rõ ràng Mac Studio M1 Max đang chiếm ưu thế.

Kết lại

Với khoảng 100 triệu, thay vì mua bộ đôi Mac Studio + Studio Display bạn có thể build một dàn PC gần tới nóc, hiệu năng mạnh mẽ hơn rất nhiều và cũng đa dụng hơn do combo Intel + NVIDIA đã quá lâu đời và mọi phần mềm máy tính đều tối ưu cho nó (tất nhiên không tính phần mềm riêng của Apple). Không chỉ làm việc, bạn còn tha hồ chiến mọi tựa game AAA với cấu hình này. Đổi lại, nếu chọn Mac Studio + Studio Display bạn sẽ có một góc làm việc sạch sẽ, gọn gàng, sang trọng và đầy cảm hứng, một hệ điều hành macOS tuyệt vời và tối ưu.

Nếu có 100 triệu, bạn sẽ chọn Mac Studio + Studio Display hay build một dàn PC?

[cpsSubscriber id='44651']


[cpsSubscriber id='44658']
danh-gia-bai-viet
(0 lượt đánh giá - 5/5)

Với hơn 9 năm làm nội dung công nghệ, trải nghiệm qua hàng trăm sản phẩm smartphone, laptop khác nhau, mình hy vọng sẽ mang đến cho các bạn nhiều thông tin bổ ích.

Bình luận (0)

sforum facebook group logo