Cẩm nang build PC: Những gì cần biết khi chọn bo mạch chủ


Không phải ngẫu nhiên mà bo mạch chủ còn được gọi là 'main' (chính) hay 'mother' (mẹ), bởi nó đóng vai trò là nền tảng của cả hệ thống. Trong bài viết cẩm nang build PC hôm nay, mời bạn cùng Sforum tìm hiểu rõ hơn về mainboard, cũng như cách để chọn linh kiện phù hợp nhất với dàn máy của mình.

Mainboard là gì?
Mainboard, bo mạch chủ, motherboard, hay thậm chí 'mobo' là những cách gọi bảng mạch điện (printed circuit board – PCB) được dùng để kết nối tất cả mọi thành phần bên trong một thùng máy lại với nhau, và đem lại cho bạn một chiếc máy tính hoàn chỉnh. Nó chứa tất cả các đầu nối cần thiết cho CPU, card đồ họa, ổ cứng, loa, quạt,… và là thứ quyết định bạn có thể cắm những gì, cắm bao nhiêu món vào PC của mình.
Khi nhìn vào một bo mạch chủ, bạn sẽ nhìn thấy hàng loạt loại linh kiện khác nhau, từ các đường mạch điện, transistor, tụ điện, khe cắm, đầu nối, tản nhiệt, chip,… Tất cả chúng được tạo ra để truyền dẫn tín hiệu từ các linh kiện khác nhau, cũng như cấp điện cho những linh kiện đó. Đây là một món đồ rất phức tạp và chúng ta sẽ không đi sâu vào cấu trúc hay cách hoạt động của nó trong bài viết này.
Các loại bo mạch chủ được sản xuất với một vài kích cỡ và quy chuẩn khác nhau, cho phép người dùng lựa chọn mẫu phù hợp với nhu cầu và kinh phí của mình. Ví dụ nếu bạn có nhu cầu build một dàn máy khủng với nhiều quạt và sử dụng thùng máy kích cỡ full tower, bo mạch chủ ATX hoành tráng là lựa chọn tốt nhất nhờ số lượng kết nối lớn, nhiều đầu cắm quạt và ổ SATA. Khi bạn chỉ cần một thiết bị đơn giản phục vụ văn phòng hay giải trí home theater, bo mạch Mini-ITX nhỏ gọn là lựa chọn phù hợp.
Xem thêm: Top CPU tốt nhất để build PC cho gaming và giải trí trong năm 2023Các nền tảng mainboard
Vào thời điểm hiện tại, có hai nhà sản xuất CPU máy tính chủ đạo trên thị trường là AMD và Intel. Vì vậy nên trên thị trường mainboard cũng có hai nền tảng chính là mainboard cho CPU AMD, và mainboard cho CPU Intel. Bạn có thể tìm thấy mainboard đủ mọi tầm giá, hỗ trợ cả các CPU tầm thấp đến những quái thú đắt tiền cho phép gắn nhiều CPU, nhiều card đồ họa cùng một lúc.
Cả Intel lẫn AMD đều chạy đua với nhau để phát triển những CPU mới mạnh hơn, và điều này dẫn đến sự phân hóa của các loại mainboard cho CPU của cùng một hãng dựa trên 'socket', hay nói đơn giản hơn là cách CPU lắp vào mainboard. Khi chọn mainboard, bạn sẽ phải chọn một mainboard có socket đúng với CPU mình muốn dùng, nếu không thì sẽ không thể lắp được.

Các tùy chọn mở rộng
Như Sforum đã nhắc đến ở đầu bài viết này, khi build PC thì bo mạch chủ là linh kiện sẽ kết nối tất cả mọi thứ bên trong thùng máy lại với nhau, bao gồm RAM, card đồ họa, card âm thanh, card mạng, ổ cứng, quạt,… Số lượng cổng kết nối và khe cắm trên bo mạch chủ quyết định bạn có thể lắp bao nhiêu linh kiện này vào máy tính của mình, từ đó ảnh hưởng đến sức mạnh của máy.
Vào thời điểm Sforum thực hiện bài viết này, chuẩn kết nối đáng chú ý nhất trên một mainboard là Peripheral Component Interconnect Express (PCIe), và loại PCIe phổ biến nhất là PCIe 4.0. Nó lại có 4 kích cỡ là x1, x4, x8 và x16, với x4 và x16 phổ biến nhất. Các bo mạch chủ có số lượng khe cắm PCIe rất khác nhau, và vị trí cũng có thể thay đổi, nhưng thường thì luôn có ít nhất một khe dành cho card đồ họa. Bạn sẽ phải chú ý xem bo mạch mình chọn có khe cắm mình cần hay không, và có đủ không gian để lắp các thiết bị mình có hay không.
Ngoài ra thì trong những năm gần đây, các bo mạch chủ được trang bị thêm một khe cắm mới là M.2. Đây là khe dành riêng cho các ổ cứng SSD tốc độ cao, giúp người dùng có thể khởi động máy nhanh hơn hẳn so với ổ SSD cắm vào khe SATA truyền thống. Khe M.2 ngày càng phổ biến và đã xuất hiện cả trên các bo mạch chủ giá rẻ, nhưng đôi khi bạn vẫn sẽ thấy những sản phẩm không có khe này để giảm giá thành.
Cổng kết nối ở mặt sau
Ngoài những linh kiện bên trong thùng máy, mainboard còn đóng vai trò kết nối với các thiết bị ngoại vi (peripheral) nằm ngoài thùng máy, ví dụ màn hình, chuột, loa, bàn phím, tai nghe, webcam,… Nó làm điều này qua lượng lớn các cổng kết nối nằm ở mặt sau của thung máy, bao gồm USB, P/S2, DVI, VGA, LAN, 3.5mm,…
Mainboard thường có đủ cổng để kết nối với các thiết bị mà một người dùng máy tính thông thường sở hữu, nhưng nếu bạn có nhu cầu cao hơn (ví dụ vừa loa vừa tai nghe, thêm bộ chuột phím không dây, webcam, đầu đọc thẻ nhớ,…) thì số lượng cổng có thể là một vấn đề nho nhỏ. Dù chúng ta không thiếu các tùy chọn để mở rộng số lượng cổng của mainboard nhưng bạn cũng nên xem xét trước khi quyết định chọn mua để giảm bớt rắc rối về sau.
Lời kết
Và đó là tất cả những gì bạn cần phải quan tâm khi chọn mua một mainboard khi build PC cho bản thân mình. Đừng ngại phiền toái, bởi đây là linh kiện quan trọng đóng vai trò nền tảng cho tất cả những món khác mà bạn sẽ lắp vào PC hiện tại cũng như nâng cấp sau này. Nếu bạn có thắc mắc gì thêm, hãy để lại bình luận cuối bài viết này và đội ngũ kỹ thuật Sforum sẽ hỗ trợ bạn ngay khi có thể. Hẹn gặp lại trong những bài viết sau!
[Product_Listing categoryid='1007' propertyid=' customlink='https://cellphones.com.vn/linh-kien/mainboard-bo-mach-chu.html' title='Danh sách Mainboard đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS']
Bình luận (0)